Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại thế nào?

Khi ngọn lửa bị dập tắt, tro tàn còn lắng lại, quá trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu và kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, đối với một kiệt tác kiến trúc Gothic đã mất 107 năm để xây dựng và tồn tại hơn 850 năm, việc xây dựng lại phần nào có thể đánh dấu sự phát triển mới nhất của nhà thờ này.

Những ai cảm thấy tuyệt vọng nhất trong thảm kịch này phần nào được xoa dịu, tin tưởng bởi Tổng thống Emmanuel Macron cam kết rằng người Pháp sẽ "cùng nhau xây dựng lại", và trong vòng 24 giờ sau vụ cháy số tiền đóng góp xây dựng lại đã lên tới con số 670 triệu USD.

Rõ ràng tiền không thiếu nhưng câu hỏi là quá trình xây dựng lại sẽ như thế nào?

An toàn trên hết

Theo chính quyền Pháp, cấu trúc chính của Nhà thờ Đức Bà Paris (bao gồm cả hai tháp chuông) đã được cứu và bảo tồn nhưng nhiều phần có nguy cơ sụp đổ hoặc rơi vỡ.

Nhà sử học kiến trúc, Tiến sĩ Jonathan Foyle nói với đài CNN rằng cần phải thực hiện các biện pháp ngay lập tức để ngăn ngừa thiệt hại thêm.

“Hiện nhà thờ còn ướt do nước dập lửa, vì vậy họ cần phải bổ sung thêm nhiều vật liệu để che chắn, bao phủ khỏi các yếu tố bên ngoài”.


Lính cứu hỏa vẫn tiếp tục phun nước để hạn chế rủi ro. (Ảnh: CNN).

“Đó không phải là một nhiệm vụ nhỏ”, ông Frédéric Létoffé, người đứng đầu Tập đoàn các công ty phục hồi di tích lịch sử ở Pháp nói: "Ngoài việc che chắn và gia cố, một hệ thống giàn giáo với mái che sẽ cần phải được xây dựng để đảm bảo bảo vệ chống lại các yếu tố thời tiết".

Bảo vệ tòa nhà

Đài CNN dẫn lời kiến trúc sư John Burton, một nhà khảo sát các công trình bảo tồn tại nhà thờ Gothic Canterbury và Tu viện Westminster của Anh, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu sẽ là lắp đặt một mái nhà tạm thời phía trên. Điều này sẽ giúp các chuyên gia thực hiện kiểm tra chi tiết bên trong, đảm bảo bao nhiêu phần trăm cấu trúc sẽ được bảo vệ”.


Phần thanh chống mái Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: CNN)

"Kiến trúc Gothic đòi hỏi sự cân bằng. Các thanh chống tỳ từng nâng đỡ cho toàn bộ nhà thờ hiện giờ có thể bị lệch”, ông nói. Sau khi bảo vệ phần cốt lõi của tòa nhà, thì các chuyên gia phục hồi sẽ đánh giá mức độ thiệt hại.

Một "đội quân" khảo cổ học

Để đi đến quyết định sẽ xây dựng lại như thế nào, chính quyền Pháp cần hiểu rõ các nhà thờ Trung Cổ đã được xây dựng như thế nào.

"Nhà Thờ Đức Bà Paris hầu như không có hồ sơ xây dựng. Công trình đó bắt đầu vào năm 1163 và cơ bản đã hoàn thành vào khoảng năm 1240. Phần mái còn sót lại và phần móng sẽ tiết lộ thêm nhiều về lịch sử xây dựng nhà thờ", Tiến sĩ Foyle nói.

Nhà khảo cổ Peter Riddinton tại công ty Donald Insall Associates (Anh) cho biết một trong những bước đầu tiên sẽ là công việc khảo cổ. Ông cũng đã làm công việc phục hồi lâu đài Windsor sau vụ cháy năm 1992.

"Bằng chứng lịch sử cho sự phát triển của nhà thờ là đó là trong kết cấu vật lý, vì vậy sẽ cần một “đội quân” các nhà khảo cổ học trên đó để hiểu rõ hơn những phần họ sửa chữa thuộc về giai đoạn nào”, ông Riddington trả lời CNN


Những gì còn lại bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris. (Ảnh: HUFFPOST)

Theo ông Riddington, diện tích sàn sẽ được chia thành một lưới ô vuông, và các nhà điều tra sẽ sàng lọc qua mọi ngóc ngách. Họ sẽ sử dụng các tàn tích, mảnh vụn để tạo mô hình và trong các bản phục dựng. Sau đó, các kỹ sư sẽ sắp đăt các thành phần với nhau từ trên xuống dưới và tạo ra một thiết kế tổng thể.

Chương mới trong chuỗi "sáng tạo, phá hủy và sửa chữa"

Mục tiêu của sự phục hồi không phải sao chép chính xác quá khứ. Thị hiếu và công nghệ hiện đại có thể ảnh hưởng khi mô phỏng lại các cách các cấu trúc bị hư hỏng. 

Nhà chức trách Pháp có thể muốn trung thành với nguyên bản của nhà thờ. Nhưng nước Pháp cũng có thể có một hướng đi táo bạo với một trong những biểu tương quốc gia này.

"Có thể sai khi cho rằng nhà thờ sẽ được phục hồi như trước vụ hỏa hoạn, nhưng đó không phải là cách duy nhất", kiến trúc sư Riddington nói. "Nhà thờ đã cũng đã trong quá khứ và nó đã được xây dựng lại theo nhiều phong cách khác nhau qua các năm".

Theo ông Riddington, ví dụ như, ngọn tháp chuông bị đổ sập trong vụ cháy ngày 15/4 qua, thực ra nó cũng từng bị phá vỡ từ quá khứ và đã được xây dựng lại trong đợt phục hồi lớn hồi thế kỷ 19.


Hình ảnh đỉnh tháp Nhà thờ đổ sập.

Các kiến trúc sư thời đó đã làm cho ngọn tháp cao hơn và công phu hơn so với cái đã tồn tại trước đó nữa. Đợt phục hồi thế kỷ 19 cũng dẫn đến những thay đổi quan trọng khác đối với mặt tiền và bên trong nhà thờ.

"Đó không phải là thứ được bảo tồn hoàn hảo mà đã bị phá hủy hoàn toàn vào đêm 15/4. Thay vào đó, có thể xem đây là một giai đoạn đau thương trong lịch sử lâu dài của việc "tạo ra, phá hủy và sửa chữa" theo chu kỳ. Nhà thờ đã trải qua các cuộc cải tạo, và sống qua lịch sử. Tôi nghĩ điều này sẽ chứng tỏ là một chương khác", Tiến sĩ Foyle cho biết.

Đối với kiến trúc sư Burton, điều quan trọng là phải thừa nhận những gì đã xảy ra trong quá trình xây dựng và thiết kế mới. "Chúng tôi muốn tôn trọng thực tế rằng nó đã từng bị cháy và các dấu vết để lại là một phần lịch sử tòa nhà”.

Đội ngũ thợ lành nghề

Nhiều lao động lành nghề và lượng lớn thợ thủ công như thợ xây, thợ mộc, thợ nối và thợ chạm khắc sẽ phải được huy động trong dự án quy mô lớn này.

Ông John David, một thợ xây lão luyện với hơn 45 năm kinh nghiệm cho biết: “Tôi nghe nhiều người nói rằng họ không có đủ thợ lành nghề, chúng tôi không thể xây dựng được. Không, chúng tôi có và có rất nhiều. Nhiều người sẽ có thể huấn luyện đào tạo người khác".


Bên trong Nhà thờ nhìn lên trên. (Ảnh: CNN)

Ông David đã có kinh nghiệm trong tham gia phục hồi nhà thờ lớn nhất ở Anh York Minster vốn bị hư hại nặng nề trong trận hỏa hoạn năm 1984.

"Họ sẽ cần nhiều người hơn, công việc sẽ không thể tiến hành nhanh chóng được, có lẽ từ 10 đến 12 năm", ông nói. "Đây là cơ hội để họ đào tạo những người thợ thủ công không chỉ cho Nhà thờ Đức Bà Paris mà còn cho các tòa nhà và thảm họa khác. Đây không phải là lần cuối cùng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất