Nhạc cụ cổ đại vẫn chơi tốt sau 1.700 năm

Các nhà khảo cổ phát hiện một chiếc đàn môi làm từ xương động vật vẫn có thể phát ra âm thanh ở Nga.

Các nhà khảo cổ phát hiện một chiếc đàn môi tại khu vực dãy núi Altai, Nga, có thể phát ra âm thanh sau 1.700 năm, National Geographic hôm qua đưa tin. Nhạc cụ này là một trong 5 chiếc đàn môi mà họ tìm thấy ở hai điểm khảo cổ Chultukov Log 9 và Cheremshanka.

"Tôi đã tự mình chơi thử chiếc đàn từ Cheremshanka", Andrey Borodovsky, giáo sư tại Viện Khảo cổ và Nhân học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết. Ông nghiên cứu những nhạc cụ này suốt hơn 20 năm và cho biết, một trong những chiếc đàn môi Cheremshanka vẫn còn chơi được.


Chiếc đàn môi cổ đại mới được tìm thấy ở Nga. (Ảnh: National Geographic).

Những nhạc cụ này có thể do thợ thủ công chế tạo từ xương bò hoặc ngựa cách đây khoảng 1.700 năm, khi người Hung kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Trung Á. Họ là người du cư, sinh sống tại các khu vực như Mông Cổ, Kazakhstan, đông bắc Trung Quốc và phía nam nước Nga ngày nay.

Nhạc cụ do thợ thủ công Altai chế tạo không giống những nhạc cụ cổ đại khác ở Trung Á. Thợ thủ công Mông Cổ và Tuva, Nga, sử dụng các chất liệu khác như sừng hươu để làm đàn môi. Các nhà khảo cổ từng tìm thấy một mảnh đàn môi bằng sừng hươu tại miền nam Siberia khoảng 40 năm trước.

Những chiếc đàn môi mới phát hiện ở Nga vẫn khá hiện đại so với loại nhạc cụ cổ nhất thế giới từng ghi nhận, đó là những chiếc sáo 43.000 năm tuổi làm từ xương chim và ngà voi ma mút trong một hang động ở miền nam nước Đức.

Chiếc đàn môi mà Borodovsky chơi thử dài khoảng 10,9cm và rộng 8,4cm. Ông nhận xét âm thanh phát ra nghe giống flageolet, một nhạc cụ thời kỳ Phục Hưng gần giống sáo.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất