Nhân viên cứu thương Anh sử dụng bộ đồ bay phản lực

Các nhân viên cứu thương ở Quận Hồ hy vọng có thể sử dụng bộ đồ bay phản lực để cứu hộ khẩn cấp trong mùa hè năm nay.


Bộ đồ bay phản lực rất phù hợp để cứu hộ trên địa hình hiểm trở. (Ảnh: GNAA)

Một nhân viên của đội cứu thương Great North Air Ambulance (GNAA) đã hoàn thành tập huấn sử dụng bộ đồ bay và hai nhân viên khác sẽ bắt đầu huấn luyện sau đó. Sau khi sử dụng thành thạo, các nhân viên cứu thương có thể bay tới địa điểm cần hỗ trợ trong 90 giây thay vì mất 30 phút đi bộ. Đây là lần đầu tiên trên thế giới bộ đồ bay được sử dụng trong cứu thương.

Bộ đồ bay do công ty Gravity Industries sản xuất bắt đầu thử nghiệm từ tháng 9/2020 nhưng phải tạm dừng do Covid-19 và khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ. Bộ đồ bay phản lực bao gồm hai động cơ mini ở mỗi cánh tay và một động cơ trên lưng cho phép phi công điều khiển chuyển động bằng tay. Bộ đồ có thể tạo ra lực đẩy 144kg, do đó dễ dàng cất cánh, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển bắt cách bay sát mặt đất.

Andy Mawson, giám đốc vận hành của GNAA, đã hoàn thành công tác tập huấn. Hiện nay, trực thăng của GNAA mất 25 - 30 phút để tới chỗ bệnh nhân ở khu vực Quận Hồ, khi các nhân viên tìm được khu vực bằng phẳng để hạ cánh. GNAA hợp tác chặt chẽ với đội cứu hộ trên núi và cho rằng một lợi thế lớn của bộ đồ bay là hoạt động được trong điều kiện tầm nhìn thấp và gió mạnh, vốn gây khó khăn cho trực thăng.

Bộ đồ bay hoạt động hiệu quả với gió mạnh 56km/h, theo dữ liệu của GNAA, có thể sử dụng trong 15 - 20 ca cấp cứu một tuần. Nhân viên cứu thương cần bay với hộp dụng cụ nặng 10 - 15kg, bao gồm một máy khử rung tim và thiết bị theo dõi bệnh nhân đeo ở chân và ngực của phi công.

"Đây là một cỗ máy gắn trên người, bạn cần phải tìm điểm cân bằng. Chúng tôi gặp nhiều áp lực để sử dụng bộ đồ bay nhưng mục đích thực tế là tới chỗ bệnh nhân cần chăm sóc y tế khẩn cấp", Mawson chia sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất