Nhật Bản phát triển robot nhiều tay có thể đeo trên lưng
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Tokyo chế tạo robot gồm nhiều cánh tay máy có thể đeo trên lưng, hứa hẹn giúp ích cho con người, trong đó có cả tìm kiếm và cứu hộ.
"Những cánh tay Jizai" có thể cầm nắm cùng lúc nhiều đồ vật - (Ảnh: REUTERS).
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Masahiko Inami tại Đại học Tokyo, Nhật Bản mới đây đã phát triển một robot bao gồm nhiều cánh tay mà người dùng có thể "đeo" được trên lưng.
Theo đó, "Những cánh tay Jizai" là một chuỗi công nghệ được nhóm nghiên cứu phát triển dựa trên ý tưởng của "Jizai" - theo tiếng Nhật có nghĩa là sự tự chủ và tự do trong hành động.
Những cánh tay robot này được mô tả "vừa giống một con người, vừa giống một công cụ, giống như việc một nhạc cụ có thể trở thành một phần của con người".
Video giới thiệu "Những cánh tay Jizai" - (Nguồn: YOUTUBE)
Hãng tin Reuters dẫn lời giáo sư Inami cho biết ông lấy cảm hứng từ nghệ thuật rối truyền thống của Nhật Bản và những truyện ngắn kinh dị của nhà văn Yasunari Kawabata về một người đàn ông đã mượn cánh tay của một phụ nữ trẻ.
"Chiếc máy này chắc chắn không phải là đối thủ cạnh tranh của con người, nó giúp chúng ta hành động như chúng ta mong muốn, như việc lái xe đạp hay xe đạp điện. Nó hỗ trợ và giúp chúng ta sáng tạo hơn", giáo sư Inami nói.
Ông cũng cho hay một số người dùng thử đã cảm thấy gắn bó với những cánh tay này. "Họ thấy hơi buồn khi phải tháo máy xuống sau một thời gian sử dụng. Đây là điều khác biệt của máy so với những công cụ khác", ông Inami nói thêm.
Tiềm năng của những cánh tay robot này rất được mong đợi, như nó có thể tham gia các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ.
"Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ chứng kiến con người mang những đôi cánh sau lưng, hay máy bay không người lái được gắn vào người… Có thể sẽ có người nghĩ ra một môn thể thao yêu cầu có 6 tay hay một kiểu bơi mới", giáo sư Inami nói vui.
Giáo sư Masahiko Inami và robot "Những cánh tay Jizai" - (Ảnh: REUTER).
Cận cảnh một "cánh tay Jizai" - (Ảnh: REUTER).
Ngoài cầm nắm đồ vật, nó cũng có thể được dùng vào công tác tìm kiếm và cứu hộ - (Ảnh: REUTER).