Nhật Bản tạo tế bào gốc từ răng khôn
Các nhà khoa học Nhật Bản hôm qua tuyên bố họ đã tạo được tế bào gốc từ răng khôn của con người, mở ra một cách tiếp cận khác đối với việc nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo mà không cần phải dùng đến phương pháp mầm phôi đang còn gây tranh cãi.
Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến quốc gia được chính phủ tài trợ cho biết họ đã tạo được các tế bào gốc giống với loại ở phôi người từ răng khôn bị bỏ đi của một bé gái 10 tuổi.
“Thành công mới mang lại hai ý nghĩa”, Hajime Ogushi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết. “Thứ nhất là chúng ta có thể tránh được những vấn đề về đạo đức liên quan đến tế bào gốc, vì răng khôn đã nhổ đi dù sao cũng không còn tác dụng gì”.
“Ngoài ra, chúng tôi đã dùng răng được nhổ từ ba năm trước và được bảo quản trong tủ lạnh. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng lưu trữ nguồn cung cấp tế bào gốc”.
Nghiên cứu liên quan đến tế bào phôi gốc, có thể phát triển thành những bộ phận hoặc dây thần kinh khác nhau, được xem là có khả năng giúp chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thư và đái đường.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về tế bào gốc vẫn bị phản đối kịch liệt về mặt tôn giáo. Các nhà truyền giáo cho rằng những nghiên cứu như vậy phá hủy đời sống của con người, mặc dù việc phát triển nghiên cứu mới chỉ ở bước đầu.
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học Nhật đã lấy tế bào từ các răng khôn và phát triển trong vòng 35 ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và phát hiện chúng chính là tế bào gốc, có thể phát triển thành những loại tế bào khác nhau trong cơ thể con người, ông Ogushi cho biết.
Cũng giống như phát hiện về tế bào gốc vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu Nhật cho biết sẽ phải mất nhiều thời gian nữa để đưa việc sử dụng tế bào gốc tạo ra từ răng khôn vào thực tế. Ông Ogushi ước tính sẽ phải mất ít nhất là 5 năm để đưa kỹ thuật trên vào sử dụng ở các bệnh viện, như chữa trị thử nghiệm đối với bệnh xương bẩm sinh.
“Do việc nhổ răng khôn chủ yếu được thực hiện ở các bệnh viện, phòng khám nha khoa, nên chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều người hiến tặng”, ông cho biết. “Như vậy chúng tôi có thể tạo ra tế bào gốc từ nhiều mã gen khác nhau, loại bỏ nguy cơ cơ thể của một bệnh nhân từ chối các mô hoặc bộ phận được cấy ghép”.
Nhật, nước chi nhiều cho nghiên cứu khoa học nhất sau Mỹ, hồi tháng 12 năm ngoái đã công bố kế hoạch trị giá 92 triệu USD để phát triển nghiên cứu tế bào gốc trong vòng 5 năm.