Nhật giới thiệu robot nhện trị giá 17.000 USD chuyên để bốc vác
Một mẫu robot độc đáo có hình dạng nhện vừa được các nhà khoa học Nhật Bản giới thiệu mới đây có thể hỗ trợ mang theo vật nặng và di chuyển trên các địa hình gập ghềnh, không bằng phẳng.
Theo trang Nikkei đưa tin, một nhóm nghiên cứu đến từ Học viện công nghệ Tokyo (Nhật Bản) đã phát triển thành công mẫu robot có hình dáng con nhện, trọng lượng khá nhẹ, có thể mang theo một vật nặng và di chuyển trên các địa hình gập ghềnh, không bằng phẳng.
Robot 4 chân với trọng lượng 6kg, có công suất động cơ lên tới 144W/kg, gấp 3 lần các robot tương tự. Có được điều này chủ yếu nhờ chất liệu sợi tổng hợp được sử dụng trong dây dẫn di chuyển giữa các khớp. Mẫu robot này có chiều dài 22cm, rộng 55cm và cao khoảng 30cm, có thể mang theo vật nặng khoảng 5kg.
Chân của robot được làm từ vật liệu carbon khá nhẹ và bền.
Chi phí sản xuất mẫu robot trên tiêu tốn khoảng 2 triệu Yên (17,8 ngàn USD), bằng 1/5 chi phí so với các mẫu robot tương tự.
Nhóm nghiên cứu do PGS. Gen Endo dẫn đầu đã thay đổi vật liệu sử dụng cho dây truyền động giữa động cơ và các khớp nối. Trước đây, các nhà khoa học sử dụng dây thép không gỉ, tuy nhiên sau đó đã thay đổi thành sợi tổng hợp polyethylene. Các sợi này được quấn quanh các chốt nằm gần các khớp giúp duy trì độ căng phù hợp, đồng thời các động cơ có thể tạo chuyển động mà không tiêu tốn quá nhiều năng lượng.
Chân của robot được làm từ vật liệu carbon khá nhẹ và bền, cho phép robot di chuyển trên nhiều địa hình khó khăn tại các vùng thiên tai, hay đơn giản leo xuống cầu thang dễ dàng.
Trong các thử nghiệm thực tế, robot có thể di chuyển khoảng 1,4 m/giây, bằng tốc độ của một người đi bộ thông thường. Nhờ trọng tâm thấp nên robot cũng ít khi bị ngã trong lúc di chuyển.
Ưu điểm của mẫu robot nhện là khả năng di chuyển trong phạm vi rộng lớn hơn các mẫu robot thông thường, đồng thời độ ổn định cũng cao hơn so với các mẫu robot chỉ có hai chân. Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục cải thiện tốc độ cho mẫu robot này do trọng lượng hiện tại khá nặng, khả năng di chuyển chậm cùng chi phí sản xuất khá đắt đỏ.