Nhật muốn xây nhà máy điện Mặt trời trên vũ trụ

Cơ quan Khám phá Không gian Nhật (JAXA) đang quyết tâm theo đuổi kế hoạch: khai thác điện Mặt trời trên không gian và truyền về Trái đất bằng công nghệ laser hoặc vi sóng. JAXA vừa tuyển chọn một số công ty và các chuyên gia phụ trách biến giấc mơ sở hữu nguồn năng lượng sạch vô hạn trị giá hàng tỉ USD thành hiện thực trong vài thập niên tới.

Vốn không được thiên nhiên ưu đãi nhiều nguồn năng lượng tự nhiên và phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn dầu khí nhập khẩu, từ lâu xứ Mặt trời mọc đã trở thành “thủ lĩnh” trong lĩnh vực điện Mặt trời và các nguồn năng lượng tái sinh khác. Năm nay, chính phủ Nhật cũng đặt mục tiêu cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Hệ thống điện Mặt trời không gian (SSPS) được xem là dự án táo bạo nhất của Nhật. Theo đó, những tấm pin quang điện rộng nhiều km2 sẽ lơ lửng trên quỹ đạo địa tĩnh bên ngoài bầu khí quyển Trái đất. “Do điện Mặt trời là nguồn năng lượng sạch và không bao giờ cạn kiệt nên chúng tôi tin rằng SSPS sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt năng lượng và ấm nóng toàn cầu”, các chuyên gia của tập đoàn Mitsubishi, một trong những đối tác của dự án, cho biết.

Pin quang điện sẽ thu năng lượng Mặt trời trên không gian – với cường độ mạnh ít nhất 5 lần so với ở mặt đất - sau đó truyền xuống mặt đất thông qua các chùm tia laser hoặc vi sóng. Theo Tadashige Takiya, phát ngôn viên của JAXA, nguồn điện này sẽ được hệ thống ăngten parabol khổng lồ đặt ở gần biển hoặc trên các hồ thủy điện tiếp nhận.

Hiện nay, JAXA đang nhắm tới hệ thống điện Mặt trời trên vũ trụ với công suất thiết kế 1 gigawatt – tương đương công suất của một nhà máy điện hạt nhân trung bình – dự kiến sẽ sản xuất điện với giá 8 yen/kW, rẻ gấp 6 lần so với giá điện hiện nay ở Nhật.

Thách thức về mặt kỹ thuật, bao gồm việc vận chuyển linh kiện lên không gian, sẽ là trở ngại không nhỏ nhưng Nhật đã nghiên cứu công nghệ SSPS từ năm 1998 với sự tham gia của khoảng 130 chuyên gia làm việc dưới sự giám sát của JAXA. Tháng 10 vừa qua, Bộ Kinh tế - Thương mại và Bộ Khoa học Nhật Bản đã đưa dự án SSPS tiến thêm một bước nữa khi chọn một số tập đoàn công nghệ hàng đầu như Mitsubishi, NEC, Fujitsu và Sharp làm đối tác.

Dự kiến khoảng năm 2020, Nhật sẽ phóng và chạy thử nghiệm SSPS đầu tiên với công suất 10 megawatt, tiếp theo đó sẽ là hệ thống 250 megawatt.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất