Nhật phóng vệ tinh có thể xác định vật thể 1m, chụp ảnh đêm
Sáng 18/1, Nhật Bản phóng một vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo nhằm thu thập hình ảnh các vụ phá rừng, các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai...
Vệ tinh có tên Asnaro-2, do công ty điện tử NEC phát triển với sự hỗ trợ của Bộ Công nghiệp Nhật Bản. Nó có thể xác định các vật thể có kích cỡ nhỏ khoảng 1m chiều rộng và chụp ảnh vào ban đêm ngay cả trong điều kiện mây mù.
Nhiệm vụ của Asnaro-2 là cung cấp hình ảnh của các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai hoặc tình trạng phá rừng cho các viện nghiên cứu và các chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ của Asnaro-2 là cung cấp hình ảnh của các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai. (Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản).
Theo trang Spaceflightinsider, theo kế hoạch Asnaro-2 sẽ được phóng lên vào ngày 12/11/2017, song phải hoãn lại do trục trặc kỹ thuật. Đến ngày 16/1/2018, vụ phóng bị hoãn lần nữa do thời tiết xấu.
Cơ quan Nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết Asnaro-2 được phóng bằng tên lửa đẩy Epsilon-3. Đây là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có kích thước nhỏ hơn so với các tên lửa khác và được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Điều này giúp giảm chi phí vận hành và nhân lực do tên lửa Epsilon có thể được kiểm soát từ mặt đất chỉ với 2 máy tính, đồng thời cho phép tiến hành các vụ phóng thường xuyên hơn so với các tên lửa H-2A và H-2B sử dụng nhiên liệu lỏng.
Các chuyên gia JAXA dự báo nhu cầu phóng các vệ tinh nhỏ sẽ tăng, đồng thời hi vọng việc phóng thành công Epsilon-3 sẽ giúp gia tăng số đơn đặt hàng.