Nhện biển dùng ruột bơm máu và oxy nuôi cơ thể

Do trái tim yếu, nhện biển dùng ruột để bơm máu và oxy đi khắp cơ thể.

Amy Moran, nhà sinh thái học đại dương tại Đại học Hawaii, Mỹ, cho biết nhện biển dùng ruột thay tim để bơm máu và oxy đi nuôi cơ thể trong nghiên cứu đăng hôm 10/7 trên tạp chí Current Biology, theo National Geographic.

Phần lớn động vật dùng tim làm máy bơm của hệ thống tuần hoàn. Nhưng trái tim yếu của nhện biển, giống phần lớn động vật chân đốt, không thể đẩy máu và oxy từ điểm cuối của chân đến trung tâm cơ thể.


Ruột nhện biển co bóp để bơm máu và oxy đi khắp cơ thể. (Video: Amy Moran).

Nhuộm và theo dõi dòng máu trong 12 đại diện sống của 12 loài nhện ở Nam Cực và bờ Tây nước Mỹ, các nhà khoa học nhận thấy chuyển động như sóng của dòng chất lỏng chứa thức ăn và oxy, được bơm trong đường ruột kéo dài đến điểm cuối của chân.

"Ruột của chúng ta co bóp để đẩy thức ăn và nhiều người từng cho rằng sự chuyển động này ở nhện biển cũng chỉ để tiêu hóa", Moran giải thích. "Nhưng nhện biển dùng ruột như tim".

Theo Sebastian Kvist, nhà sinh thái học động vật không xương sống tại Bảo tàng Hoàng gia Ontario, Toronto, Canada, đặc điểm dùng ruột thay tim giúp nhện trao đổi khí hữu hiệu hơn.

Nhện biển có cấu tạo cơ thể 8 chân lớn, thân bé và vòi hút chất lỏng từ con mồi. Nhiều chức năng quan trọng của loài này đều diễn ra trong chân. "Chúng làm tất cả mọi việc bằng chân", Moran cho biết.


Nhện biển dùng ruột như tim.

Oxy được hấp thụ qua lớp xương ngoài vào cơ thể. "Chúng không có cơ quan chuyên biệt để trao đổi khí ngoại trừ tiết diện bề mặt lớn", Moran lý giải. "Tuyến sinh dục của chúng nằm trong chân, con cái cũng giữ trứng trong chân".

Trên thế giới có khoảng 1.000 loài nhện biển với chiều dài cơ thể từ 1mm đến 90cm. Vì nhện biển đã xuất hiện khoảng 500 triệu năm, nghiên cứu có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sự tiến hóa của các hệ thống tuần hoàn ở nhiều loài động vật.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất