Nhiệt cực đoan do biến đổi khí hậu gây nguy hại đến 157 triệu người

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta gặp nguy cơ rất cao về sức khỏe. Nghiên cứu cũng lần đầu tiên cảnh báo rằng người già ở châu Âu và Đông Địa Trung Hải đặc biệt dễ bị tổn thương do những diễn biến cực đoan của nhiệt độ, cao hơn hẳn so với châu Phi và Đông Nam Á.

Các bác sĩ, học giả và chuyên gia chính sách hàng đầu từ 27 tổ chức đã góp phần phân tích và cùng soạn thảo báo cáo này. Với tư cách là những thành viên của Báo cáo Đếm ngược Lancet: Theo dõi tiến bộ về y tế và biến đổi khí hậu, các đối tác đứng sau nghiên cứu bao gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đại học London và Đại học Thanh Hoa, cùng những tổ chức khác.

Một số tác động về sức khỏe mới của nhiệt được đưa ra trong Báo cáo 2018 Đếm ngược Lancet về y tế và biến đổi khí hậu bao gồm: Số người dễ bị tổn thương phải chịu đựng sóng nhiệt (giả sử mỗi người đã trải qua một đợt sóng nhiệt) năm ngoái cao hơn năm 2000 là 157 triệu người và cao hơn năm 2016 là 18 triệu người; 153 tỷ giờ lao động đã bị mất đi năm 2017 do nhiệt cực đoan gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Riêng Trung Quốc mất đi 21 tỷ giờ, tương đương với công việc trong một năm của 1,4% dân số đang ở độ tuổi lao động của họ. Ấn Độ mất 75 tỷ giờ, tương đương với công việc trong một năm của 7% dân số trong độ tuổi lao động của họ.

Các phương pháp tính mới đã lần đầu tiên thu được dữ liệu này; Nhiệt độ môi trường xung quanh tăng cao đang khiến cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng trên tất cả các khu vực trên thế giới.

Châu Âu và Đông Địa Trung Hải có nguy cơ cao, chủ yếu do dân số già sống ở các thành phố, với lần lượt 42% và 43% những người trên 65 tuổi dễ bị tác động của nhiệt, cao hơn đáng kể so với châu Phi (38%) và Đông Nam Á (34%); Nhiệt làm tăng đáng kể ô nhiễm không khí đô thị khi có tới 97% các thành phố ở các nước thu nhập thấp và trung bình không đáp ứng được các hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.


97% đô thị các quốc gia thu nhập thấp và trung bình bị gia tăng ô nhiễm không khí do nhiệt cực đoan.

Căng thẳng do nhiệt (heat stress), một tác động sớm và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đã trở nên phổ biến và chúng ta, và các hệ thống y tế mà chúng ta dựa vào, chưa được trang bị để đối phó; Nhiệt độ tăng và sự ấm lên bất thường chịu trách nhiệm về bệnh dịch tả và sốt xuất huyết lan rộng, với khả năng lây lan tăng lên ở nhiều khu vực.

Hiện nay, sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu trung bình mà con người bị tác động cao hơn gấp đôi mức thay đổi trung bình toàn cầu, với nhiệt độ tăng 0,8°C so với 0,3°C. Giáo sư Hugh Montgomery, Đồng chủ tịch của Đếm ngược Lancet về Y tế và Biến đổi khí hậu đồng thời là Giám đốc Viện Sức khỏe và Hiệu suất của con người, Đại học London phát biểu: “Sự tiếp xúc và nguy cơ dễ bị tổn thương do nhiệt cực đoan tăng cao ở mức không thể chấp nhận được và những nguy cơ đó gia tăng đối với mọi người trên toàn thế giới. Căng thẳng do nhiệt đang gây tác động mạnh - đặc biệt là đối với những người già ở thành thị và những người có các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính. Ở nhiệt độ cao, công việc ngoài trời, đặc biệt là trong nông nghiệp, là rất nguy hiểm. Các khu vực từ miền Bắc nước Anh và California, đến Australia, đang diễn ra các vụ cháy khủng khiếp gây tử vong trực tiếp, khiến dân chúng phải sơ tán và mất nhà cửa cũng như gây ra các tác động đến hệ hô hấp do hít phải khói”.

Bản báo cáo chỉ rõ, xem xét 41 chỉ số riêng biệt trong một loạt các chủ đề, cho biết cần thực hiện khẩn cấp các biện pháp nhằm bảo vệ người dân ngay từ bây giờ khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các quy định về lao động mạnh mẽ hơn là hết sức cần thiết để bảo vệ người lao động trước các diễn biến cực đoan của nhiệt, đồng thời các bệnh viện và hệ thống y tế của chúng ta cần phải được trang bị tốt hơn để có thể ứng phó.

Nhưng báo cáo cũng nhấn mạnh rằng có những giới hạn trong việc thích nghi với sự gia tăng của nhiệt độ, và nếu không được quan tâm hạn chế những tác động tiêu cực, biến đổi khí hậu và nhiệt sẽ áp đảo ngay cả hệ thống mạnh nhất, do đó sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính là rất quan trọng.

Kris Ebi, Giáo sư sức khỏe toàn cầu và khoa học sức khỏe môi trường và nghề nghiệp, Đại học Washington cho biết: “Tỷ lệ tử vong gia tăng trong các đợt sóng nhiệt cực đoan không còn là điều có thể xảy ra nữa mà nó là một hiện thực đang diễn ra và sẽ tiếp tục khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Có nhiều bằng chứng cho thấy các cộng đồng chưa được chuẩn bị để đối phó với sự gia tăng liên tục về tần suất, cường độ và thời gian của các đợt sóng nhiệt. Cần phải hành động ngay bây giờ, với sự đầu tư phù hợp, chẳng hạn như triển khai các hệ thống cảnh báo sớm sóng nhiệt, bao gồm lập bản đồ các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương và cung cấp các biện pháp can thiệp nhằm tăng khả năng phục hồi trong thời tiết nóng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất