Nhiệt độ tháng Tư cao nhất trong hơn 130 năm qua
Tháng 4/2014 đã đi vào lịch sử khí tượng thế giới khi trở thành tháng nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất năm 1880.
>>> Sự thay đổi khủng khiếp của Trái đất do biến đổi khí hậu
Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 20/5, nền nhiệt trung bình trên toàn cầu trong tháng Tư vừa qua đạt 14,49 độ C, cao hơn 0,77 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20, và ngang bằng với tháng Tư nóng kỷ lục của năm 2010.
Cũng theo NOAA, tháng qua cũng là tháng thứ 350 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20.
Người dân châu Âu đổ xô đi tắm biển do thời tiết nắng nóng. (Ảnh: ALAMY)
Số liệu này được đưa ra dựa trên việc phân tích và đánh giá nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu, trong đó ghi nhận nhiệt độ trung bình ở phần lớn các khu vực trên Trái Đất đều cao hơn mức trung bình hàng năm, thậm chí còn lên cao kỷ lục ở nhiều vùng thuộc Trung Á và một số nước châu Âu.
Cụ thể, miền Trung Siberia của Nga đã trải qua tháng Tư nóng gắt khi nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với nền nhiệt trung bình toàn cầu. Đây cũng là tháng Tư thứ 3 liên tiếp người dân nước Anh phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài với mức nhiệt lên cao kỷ lục kể từ tháng Tư nóng kỷ lục hồi năm 1910.
Trong khi đó, nhiều nơi tại Mỹ và Canada phải hứng chịu cảnh rét mướt do nhiệt độ xuống thấp hơn mức trung bình.
Tháng Tư có nhiệt độ được ghi nhận thấp hơn mức trung bình toàn cầu của thế kỷ 20 là vào năm 1976.
Số liệu của NOAA được công bố sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hồi tháng trước bày tỏ quan ngại trước tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, khiến nhiệt độ Trái Đất không ngừng tăng lên, kéo theo hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn.
Tổng Thư ký kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới và tất cả mọi người đang sinh sống trên Trái Đất cùng nỗ lực hành động để ngăn chặn tình trạng ấm lên của Trái Đất, mà theo tính toán, đã tăng thêm 2 độ C trong thời gian vừa qua.