Nhiều phát hiện khảo cổ mới tại Thành Hoàng Đế

Ngày 23/11, tại Quy Nhơn, Viện khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đã tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học Tử cấm thành - Thành Hoàng đế (Vương triều Tây Sơn) lần thứ 5 năm 2012.

Bước đầu đã có nhiều phát hiện mới qua khai quật khảo cổ và nghiên cứu về quy mô diện tích khác với những lần nghiên cứu trước đây. Đặc biệt đã phát hiện dấu tích cung điện của Vương triều Tây Sơn, trong khu vực Tử cấm thành.

Theo tiến sỹ Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), cuộc khai quật lần này được tiến hành từ ngày 3/10 đến 3/12/2012, ở 5 địa điểm (từ vị trí H1-H5) trên tổng diện tích 530m2 tại vùng đất thuộc khu vực Tử cấm thành.

Qua khai quật đã phát hiện làm rõ cấu trúc Thủy hồ phía Đông và không gian Tử cấm thành có tổng chiều dài 312m, chiều rộng 126m. Tử cấm thành được chia làm 2 phần không đều nhau, ngăn cách bởi bức tường ngăn. Phần phía Nam dài 174m, rộng 126m, cửa chính về hướng Nam, trong lòng thành với các di tích được xây dựng thời Tây Sơn như Điện Bát Giác, Thủy hồ trang trí, Cung Quyền Bổng; các dãy nhà làm việc của quan lại Vương triều Tây Sơn như sử cũ ghi chép, cùng với những dấu tích khai quật khảo cổ học chứng minh.


Cổng  chính thành Hoàng Đế

Kết thúc phần phía Nam là hòn non bộ và cây cảnh vẫn còn đến ngày nay. Phần phía Bắc có diện tích hẹp hơn, chiều dài 138m, rộng 126m trong vùng đất này còn dấu tích các nền cung cũ, nền hậu cung. Đây là không gian sinh hoạt của gia đình Nguyễn Nhạc - vị vua của Vương triều bấy giờ.

Phân biệt giữa hai khu Tử cấm thành là hệ thống tường ngăn hiện còn dấu vết. Căn cứ vào di tích hiện thấy, có thể giữa 2 khu này là hệ thống 3 cửa.

Thực địa này cho thấy phù hợp với ghi chép của thương gia người Anh, Champman kể lại khi đến thăm thành Hoàng đế: “Sau buổi tiếp kiến giữa triều đình, tại buổi tiếp riêng tại tư thất... Đó là một ngôi điện chầu lợp ngói, xây cách theo kiểu nhà người Đàng Trong, được chống đỡ bởi những hàng cột bằng gỗ quý".

Ngoài ra, các chuyên gia khảo cổ còn phát hiện hàng trăm hiện vật như vật liệu xây dựng, đá xanh, gạch ống, men sứ đời Trung Quốc thế kỷ từ 15-18 và các vật liệu xây dựng của người Chăm và Tây Sơn...

Theo các nhà khoa học, cuộc khai quật khảo cổ học lần này đã có thêm đầy đủ tư liệu về không gian vùng đất Tử cấm thành. Đó là không gian lõi, hạt nhân của thành Hoàng đế - nơi đã diễn ra các hoạt động của một Vương triều trong lịch sử, mặc dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 16 năm (1778-1793).

Kết quả khai quật cho thấy có đủ cơ sở khoa học để các ngành chức năng và tỉnh Bình Định tiến hành bảo vệ trùng tu, tôn tạo để phục vụ cho sự nghiệp phát triển du lịch.

Thành Hoàng đế nằm ở xã Nhơn Hậu (huyện An Nhơn). Vào năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế và thành Hoàng đế trở thành Kinh đô của triều Tây Sơn. Di tích lịch sử này đã được Nhà nước xếp hạng Quốc gia vào năm 1984.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất