Nhiều ưu đãi khi thành lập doanh nghiệp KHCN
Miễn thuế thu nhập trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN.
Đó là một trong nhiều ưu đãi mà các doanh nghiệp KHCN được hưởng.
Thông tin trên được ông Trần Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) cho biết tại hội nghị “Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp KHCN và giới thiệu chương trình hỗ trợ triển khai nghị định 115/2005/NĐ-CP và nghị định 80/2007/NĐ-CP” tổ chức ngày 22/10 tại TP.HCM.
Trong phần giới thiệu về chương trình hỗ trợ các tổ chức chuyển đổi theo Nghị định 115 và Nghị định 80, ông Trần Văn Tùng cho biết, có rất nhiều ưu đãi mà các doanh nghiệp KHCN sẽ được hưởng khi thành lập.
Cụ thể, ngoài ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp KHCN còn được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất và sử dụng đất trong việc thuê và sử dụng đất; ưu đãi về nguồn vốn từ các quỹ phát triển KHCN; đồng thời được miễn lệ phí trước bạ khi đăng kí quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cũng như được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập.
Giải thích thắc mắc của một số đại biểu tham dự hội nghị về việc cần thiết thành lập doanh nghiệp KHCN cũng như sự khác nhau giữa doanh nghiệp KHCN và các doanh nghiệp khác, Vụ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, doanh nghiệp KHCN phải thực hiện việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KHCN. Sau đó phải chuyển giao được công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ưom tạo và làm chủ.
Đồng thời, được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các lĩnh vực cụ thể như: Công nghệ thông tin - truyền thông đặc biệt là công nghệ phần mềm tin học; công nghệ sinh học đặc biệt phụ vụ nông nghiệp – thủy sản - y tế; công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, nano, bảo vệ môi trường; công nghệ năng lượng, vũ trụ và một số công nghệ khác.
Theo đó, quy trình thành lập doanh nghiệp KHCN, thủ tục đăng kí và công nhận cũng được giới thiệu tại hội nghị.
Cụ thể, đối với cá nhân, tổ chức thành lập mới doanh nghiệp KHCN cần phải đăng kí thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và đăng kí công nhận doanh nghiệp KHCN tại sở KHCN.
Tuy nhiên, đối với các tổ chức KHCN chuyển đổi thành doanh nghiệp KHCN thì cần xây dựng đề án thành doanh nghiệp KHCN trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rồi mới đăng kí thành lập và công nhận doanh nghiệp KHCN.
Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi khi thành lập doanh nghiệp KHCN, tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, nhiều cá nhân, tổ chức cho biết vẫn gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục đăng kí, công nhận thành lập các doanh nghiệp KHCN.
Thậm chí, ngay cả một số doanh nghiệp KHCN được công nhận là “nổi bật” như: Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm chất lượng cao Thụy Phương, Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng những ưu đãi về thuế v.v.. khi hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp KHCN.