Nhờ đâu ta biết tay mình?
Làm sao chúng ta biết bàn tay nào của chính chúng ta? Các nhà khoa học đã tiến một bước gần đến việc giải thích bí ẩn này.
Theo trang tin Discovery, các nhà nghiên cứu Úc đã chỉ ra rằng, cùng với xúc giác và thị giác, các cơ quan cảm thụ truyền tin trong bắp cơ và khớp xương cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nhận thức sở hữu giúp cơ thể nhận biết được cơ thể của chúng ta thuộc về... chúng ta. Phát hiện này là cơ sở để thiết kế phương pháp điều trị các chứng rối loạn nhận thức sở hữu cơ thể đi kèm với các tình trạng như đột quỵ và động kinh.
Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Lee Walsh thuộc tổ chức Nghiên cứu thần kinh học Úc nói rằng việc chúng ta có thể nhận biết các bộ phận cơ thể của chúng ta thuộc về chúng ta hoàn toàn theo bản năng.
Tuy nhiên, làm thế nào bộ não vẽ ra được tấm bản đồ về những gì thuộc về nó thì vẫn còn chưa được khám phá đầy đủ. “Làm thế nào để bạn biết bàn tay này là của mình mà không phải của người khác và chiếc điện thoại đó không phải là một phần của cơ thể bạn?", ông Wash nói.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng người ta có thể bị đánh lừa để nhận quyền sở hữu một bàn tay nhân tạo. Điều này được thực hiện bằng cách đồng thời vuốt ve bàn tay ẩn và bàn tay cao su nhân tạo nhìn thấy được của đối tượng. “Một khi ảo giác về quyền sở hữu bàn tay được thiết lập, đối tượng có phản ứng sinh lý với những mối đe dọa chống lại bàn tay cao su đó”, ông Walsh và các cộng sự viết trong báo cáo.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm chuyên gia muốn xem xét liệu các kênh cảm giác khác có quan trọng đối với việc phát triển “chủ quyền cơ thể” hay không.
Theo ông Walsh, chúng ta có thể sử dụng thị giác để nhìn các bộ phận của cơ thể, nhưng chúng ta cũng có thể thấy các cơ thể người khác, vì vậy chỉ riêng thị giác thì không thể phân biệt giữa bộ phận cơ thể bên ngoài với bộ phận chúng ta sở hữu.
“Cơ quan cảm thụ bắp cơ có thể truyền tín hiệu về những gì xảy ra với cơ thể vì vậy có thể đó là “ứng cử viên lý tưởng” để báo hiệu quyền sở hữu”, chuyên gia Úc nói.
Để kiểm tra giả thuyết này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra ảo giác về quyền sở hữu đối với một ngón tay trỏ bằng nhựa. Ngón tay này được sử dụng vì nó có khả năng ngăn chặn nhận thức xúc giác khi gây tê cục bộ. Các chuyên gia nhận thấy rằng nhận thức sở hữu vẫn xuất hiện khi ngón tay của người tham gia bị gây tê.
Kết quả cho thấy các tín hiệu thị giác, xúc giác không hoàn toàn có thể thiết lập quyền sở hữu cơ thể. Thay vào đó, tín hiệu liên quan đến bắp cơ và khớp xương kết hợp với thị giác mới đủ cho não nhận biết quyền sở hữu.
“Kết quả chỉ ra rõ ràng rằng cơ quan cảm thụ cơ góp phần vào nhận thức sở hữu cơ thể. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy não bộ chúng ta sử dụng thông tin từ bắp cơ để cho chúng ta biết đâu là cơ thể của chúng ta và đâu là không phải. Đó là điều cơ bản để xác định cách bộ não và cơ thể tương tác với nhau để chúng ta cảm nhận được chính mình”, chuyên gia Úc khẳng định.
Nghiên cứu trên được công bố trên chuyên san Journal of Physiology cũng ghi nhận rằng sự tương đẳng giữa các kích thích cảm giác đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều khiển ý thức sở hữu cơ thể.