Những bảo bối của Doraemon nay đã trở thành hiện thực
Chắc chắn Doraemon là nhân vật ấn tượng với trẻ nhỏ nhất, bởi chú mèo máy này có hàng loạt "phép thần thông" từ thế kỷ 22. Cho tới khi trưởng thành, cũng chẳng ai quên được những bảo bối như chong chóng tre hay cánh cửa thần kỳ và mong muốn một ngày nào đó có thể sở hữu chúng.
Công nghệ đầu thế kỷ 21 đã có nhiều bước tiến lớn, và không ít trong số đó cũng "thần kỳ" chẳng kém những bảo bối của Doraemon. Chúng ta chưa thể dịch chuyển tức thời bằng cánh cửa thần kỳ, hay du hành thời gian, nhưng nhiều phát minh đã giúp trí tưởng tượng của Fujiko Fujio. Dưới đây là các công nghệ đã tới sớm hơn những gì Fujiko dự đoán.
1. Lon chứa thời tiết - Người dân Trung Quốc phải mua chai đựng không khí sạch
Chỉ xuất hiện rất ít trong các tập truyện ngắn, nhưng đây là món bảo bối cực bá đạo. Với 4 chiếc lon khác nhau, bao gồm Xuân, Hạ, Thu và Mùa Đông, Doraemon gần như có thể hô mây gọi gió, chuyển thời tiết thành bất cứ mùa nào trong năm. Như vậy, chỉ cần mở chiếc lon bất kỳ, bạn sẽ được tận hưởng thời tiết bạn muốn.
Giá mà người dân Trung Quốc có các hộp thời tiết của Doraemon.
Một khía cạnh khác thiếu tích cực hơn, người dân ở nhiều nơi trên thế giới đang phải mua không khí đóng chai, để được "tận hưởng bầu không khí" họ muốn. Điển hình là Trung quốc mới đây, đã có những dịch vụ bán chai không khí chứa từ Canada. Thậm chí, nhiều nhà hàng còn tính phí "không khí sạch" cho khách hàng của họ. Có vẻ như dự đoán của Fujiko dù không thực sự chính xác, nhưng vẫn phản ánh được vấn đề ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu đang diễn ra.
2. Máy thiết kế mô hình - Máy in 3D
Xuất hiện trong tập 20 truyện ngắn, bảo bối này của Doraemon có khả năng tạo ra bất cứ đồ vật gì và chỉ cần cho vào bản thiết kế của nó. Có lẽ đây chính là ý tưởng về máy in 3D hiện nay. Có khả năng tương tự, chỉ cần 1 bản vẽ 3 chiều của các đồ vật, máy in 3D có thể tạo ra mất cứ thứ gì, từ những đồ vật bình thường cho tới bộ phận trên cơ thể.
Cho bản vẽ vào và tạo ra đồ vật.
Nếu bạn cảm thấy in 3D là 1 công nghệ đã trở nên tầm thường, thì hãy thử nghĩ tới trí tưởng tượng của 1 đứa trẻ về chiếc máy có thể biến các bản vẽ thành đồ vật.
3. Nhành cây tầm gửi - Dịch vụ ở nhờ Airbnb
Chỉ cần smartphone với ứng dụng Airbnb, bạn đã có một "Nhành cây tầm gửi" trong tay.
Trong một tập truyện ngắn, Nobita vì giận gia đình nên quyết định bỏ nhà ra ở riêng. Với sự giúp đỡ của Doraemon và bảo bối "Nhành cây tầm gửi", Nobita đã không còn phải lo về nơi ở sau đó. Chỉ cần cắm trước cổng nhà ai đó, bạn sẽ được đón tiếp nồng hậu như người thân.
Một dịch vụ tương ứng là Airbnb rất phát triển trong những năm gần đây. Dịch vụ này cho phép người dùng biến nhà của họ thành các hostel và đón khách tới ở trong thời gian ngắn qua mạng lưới do Airbnb tạo nên. Như vậy, chỉ cần smartphone với ứng dụng Airbnb, bạn đã có một "Nhành cây tầm gửi" trong tay.
4. Thiên sứ chỉ đường - Các ứng dụng chỉ đường, nhắc việc
Hiện nay trên smartphone đã có rất nhiều ứng dụng có khả năng tương tự thiên sứ chỉ đường của Doraemon.
Bảo bối này của Doraemon có thể biết trước 1 phần kết quả các công việc mà Nobita làm. Nó giúp cậu biết trước điều gì sắp xảy ra và đưa ra các chỉ dẫn, bao gồm phải đi đường nào hay việc dừng chơi cờ cùng Xuka để về nhà học bài.
Rõ ràng, Thiên sứ chỉ đường vừa có tác dụng nhắc việc, lại vừa có khả năng chỉ cho Nobita "đi đúng hướng". Hiện nay trên smartphone đã có rất nhiều ứng dụng có khả năng tương tự như Google Maps, Here Maps hay Google Keeps ghi nhớ công việc.
5. Gậy câu đồ TV và Điện thoại đặt hàng - Các trang web bán hàng trực tuyến
Rõ ràng, bạn chẳng thể nào lấy được đồ miễn phí từ những đoạn quảng cáo giống như trong truyện, nhưng việc mua hàng trực tuyến cũng đã rất tiện lợi rồi. Thời điểm sáng tác Doraemon, chắc Fujiko cũng đã cảm thấy quá chán với việc phải đi ra các cửa tiệm để mua hàng trực tiếp. Một món bảo bối khác là: Điện thoại đặt hàng, giúp Nobita đặt bất cứ thứ gì cậu muốn.
Chỉ cần vào các trang web mua bán hàng trực tuyến chọn đồ, rồi alo và ở nhà đợi hàng được mang đến tân nơi, rất giống với điện thoại đặt hàng của Doraemon. (Ảnh: Internet).
Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, bạn có thể ngồi 1 chỗ và đặt mua đủ món hàng thông qua các trang web trực tuyến, giống như việc Nobita câu đồ từ trong TV vậy.
6. Máy in tiếng nói - Bộ nhận diện giọng nói
Trong truyện, chỉ cần nói vào micro, chiếc máy in sẽ tự động viết lên giấy cho Nobita. Công năng này có lẽ cũng chỉ ngang các tính năng nhận diện giọng nói của Google hay Apple mà thôi.
Máy in giọng nói của Doraemon.
Với những ai chưa biết, trên các thiết bị Android, bạn có thể sử dụng tính năng này để ghi nội dung thay vì sử dụng bàn phím ảo thông thường.
7. Găng tay điều khiển từ xa - Điều khiển bằng cử chỉ
Hiện nay, không cần tới 1 món bảo bối của Doraemon, bạn vẫn có thể sử dụng tay mình để ra lệnh cho máy tính và nhiều thiết bị. Làm được điều này nhờ vào các bộ nhận diện cử chỉ trên máy tính.
Vòng tay này chẳng khác gì găng tay của Doraemon cả.
8. Doraemon - Trợ lý ảo
Đây là 1 so sánh không hoàn toàn cân đối, khi mà các trợ lý ảo như Cortana, Siri hay Google Now chẳng thể bảo vệ bạn khỏi những kẻ bắt nạt giống như Doraemon, nhưng cần nói rằng trợ lý ảo sẽ sớm giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn rất nhiều.
Những trợ lý ảo giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn nhiều.
Rất nhiều bảo bối của Doraemon đã được tái hiện trên những ứng dụng hay dịch vụ di động, điều này giúp các trợ lý ảo có được phần nào khả năng giúp đỡ người dùng. Dù sao, chúng ta cũng không thể quá lười biếng giống như Nobita, và suốt ngày khóc lóc cầu cứu Doraemon.
Ngoài ra, còn rất nhiều bảo bối khác đã được con người biến thành sự thật, như cỗ máy xây nhà tự động, vòng thay đổi khuôn mặt (phẫu thuật thẩm mỹ), TV 3D màn hình rộng,... Sự phát triển của công nghệ đã biến những giấc mở thời niên thiếu thành sự thực, trên hết, những "bảo bối" này được tạo ra để làm cuộc sống con người dễ dàng hơn, nhưng không vì thế mà mỗi người đều biến thành các "Nobita".