Những bí mật cực thú vị về trái tim và dòng máu mà suốt bao năm nay bạn vẫn chưa biết đến

Trái tim và dòng máu không chỉ quan trọng đối với cơ thể sinh vật sống mà còn ẩn dụ cho những điều quý giá nhất của con người. Tuy nhiên nếu được yêu cầu chỉ ra mức độ tuyệt diệu của 2 bộ phận này thì ai cũng ấp úng mất vài giây.

1. Có thể bạn chưa biết dòng máu trong cơ thể mình lại kỳ diệu đến vậy

Theo tính toán của các chuyên gia từ ĐH Globis (Nhật Bản), cần đến 1.120.000 con muỗi mới có thể hút hết máu của một người trưởng thành. Đó là do cơ thể người có khoảng 4,5 đến 5,5 lít máu. Trong khi đó, mỗi con muỗi lại chỉ có thể làm tổn hao của chúng ta khoảng 3-4 phần triệu lít máu là cùng. Ngoài ra, con người mất đi 40% máu vẫn còn khả năng sống sót nếu được truyền máu kịp thời.

Để bơm máu đi nuôi cơ thể, quả tim đã tạo ra một áp lực lớn đến nỗi có khả năng làm phun ra cột máu cao hơn 9 mét. Mặt khác, lượng máu tuần hoàn trong vòng 25 ngày cũng ngang bằng với một bể bơi trung bình.

2. Trường hợp y khoa đặc biệt: Người không có mạch đập, người không có... tim!

Năm 2011, các bác sĩ đã đưa "quả tim nhân tạo" vào trong cơ thể nam bệnh nhân Craig Lewis ở Texas, Mỹ. Điều này giúp máu tuần hoàn khắp cơ thể ông Lewis dù không còn mạch đập. Bệnh nhân đã vượt qua được 5 tuần tiếp theo trước khi mất vì bệnh lý nền. Dù vậy, các bác sĩ cho biết trái tim nhân tạo của ông vẫn hoạt động rất tốt đến lúc qua đời.


Bệnh nhân Craig Lewis. (Ảnh: Reddit).

Năm 2016, bệnh nhân Stan Larkin (26 tuổi) đã trải qua một phép màu tuyệt vời khác của y học. Larkin cần được ghép tim, nhưng trong thời gian chờ đợi người hiến phù hợp, anh đã sống mà... không có trái tim bên trong cơ thể. Thay vào đó, nam thanh niên đã mang một "trái tim nhân tạo" trong ba lô suốt 24 giờ trong vòng 555 ngày. Thiết bị này có chức năng tuần hoàn máu và giữ cho Larking sống sót, thậm chí còn cho phép anh chơi bóng rổ. Cuối cùng, Larkin được phẫu thuật ghép tim vào ngày 9/5/2016 trong sự vỡ òa của bản thân, gia đình lẫn ekip y bác sĩ.


Bệnh nhân Stan Larkin. (Ảnh: Daily Mail).

3. Người ta hay bị đau tim vào thứ Hai và thứ Sáu

Theo báo cáo trên Tạp chí Dịch tễ châu Âu năm 2005, khoảng 21% ca đau tim thường diễn ra trong các ngày thứ Hai. Đợt "cao điểm" tiếp theo là vào ngày thứ Sáu. Nhóm nghiên cứu cho rằng tâm lý stress nặng vào lúc bắt đầu hay kết thúc một tuần làm việc căng thẳng là lí do gây nên rối loạn nhịp tim, đột quỵ...

Mặt khác, để giảm nguy cơ đau tim, chúng ta nên ra khỏi giường một cách chậm rãi, từ tốn vào buổi sáng cũng như hạn chế tập luyện cường độ cao vào chiều tối.

4. Những sự thật về nhịp đập của trái tim

Mạch đập có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Favaloro (Argentina) từng có dịp quan sát một bệnh nhân được thay tim. Sau ca phẫu thuật, nhịp tim của bệnh nhân đã thay đổi và kéo theo tính cách, cảm xúc, hành động của ông ấy cũng biến đổi đáng chú ý.

Ngoài ra, nước tăng lực rất dễ làm thay đổi mạch đập. Các nhà khoa học Đức phát hiện một số loại nước tăng lực có hàm lượng caffeine gấp 3 lần cà phê hay soda. Uống quá nhiều nước tăng lực làm tăng nguy cơ bị động kinh hay đột quỵ.

5. Nhóm máu có thể ảnh hưởng đến hôn nhân, sức khỏe

Một nghiên cứu vào năm 2015 của ĐH Islamic Azad (Iran) đã cho thấy mối liên hệ giữa nhóm máu của các cặp đôi và tỉ lệ chia tay. Theo đó thì cặp đôi kết hợp giữa 2 nhóm máu O sẽ bền chặt nhất, trong khi nhóm dễ chia tay nhất là A + AB hoặc A + O. Có một vài giả thuyết được đưa ra, bao gồm việc tính cách không hợp nhau, rồi ADN gây ảnh hưởng đến hành vi... Nhưng nhìn chung, đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ với tính chất tham khảo.

Theo một nghiên cứu vào năm 2012 của Harvard, các chuyên gia đã chứng minh rằng nhóm máu có thể quyết định việc bạn dễ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh nào.

Ngoài ra, rất nhiều người Nhật Bản tin rằng nhóm máu ảnh hưởng đến tính cách, các mối quan hệ và nghề nghiệp của mình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất