Những cái nhất của khoa học năm 2008

Hành tinh nóng nhất, cây có niên đại cổ xưa nhất với gần một vạn năm tuổi và hố đen lớn nhất trong lịch sử thiên văn học thế giới đều được phát hiện trong năm nay. Dưới đây là những cái nhất về mặt định lượng theo bình chọn của tạp chí Newscientist.


Tháng 7, một nhóm thợ thủ công tới từ nhiều nước công bố hai quả cầu silicon được cho là những vật thể tròn nhất trên hành tinh. Achim Leistner, một kỹ sư quang học Mỹ, giải thích về mức độ hoàn hảo của chúng: "Nếu hai quả cầu phình to bằng kích thước Trái đất, chúng ta sẽ thấy mức chênh lệch độ cao giữa điểm thấp nhất và điểm cao nhất vào khoảng 3-5 mét. Cặp cầu silicon này được thiết kế để trở thành vật chuẩn giúp các nhà khoa học đưa ra khái niệm về kilogram một cách chính xác hơn. Số lượng nguyên tử trong mỗi quả cầu là như nhau".

 


Tháng 10, các nhà thiên văn phát hiện một hành tinh có tên WASP-12b, nặng gấp khoảng 1,5 lần sao Mộc và chỉ mất hơn một ngày để xoay quanh ngôi sao riêng. Khoảng cách từ WASP-12b tới sao riêng của nó bằng 1/40 khoảng cách từ mặt trời tới trái đất. Theo tính toán của các chuyên gia, nhiệt độ trên WASP-12b vào khoảng 2.250 độ C, tương đương 1/2 nhiệt độ tại bề mặt của mặt trời. Do đó, đây là hành tinh nóng nhất mà con người từng phát hiện, đồng thời cũng là hành tinh có thời gian di chuyển trên quỹ đạo ngắn nhất.

 


Các nhà khảo cổ học Mỹ tìm thấy di cốt đôi vợ chồng và hai đứa con của họ được chôn cùng nhau cách đây khoảng 4.600 năm tại Eulau, Đức. Phân tích gene cho thấy hai đứa trẻ có ADN của người phụ nữ và nhiễm sắc thể Y của người đàn ông. Đây là gia đình hạt nhân (hình thái gia đình gồm cha mẹ và các con) sớm nhất mà chúng ta từng biết. Phát hiện này cho thấy ngay từ thời kỳ nguyên thủy, con người đã biết sống thành từng gia đình riêng, chứ không chỉ đơn thuần sống quần hôn theo kiểu bầy đàn.

 


Trong năm qua, các nhà khoa học tìm thấy một cây vân sam có niên đại lên tới 9.555 năm tại tỉnh Dalarna, Thụy Điển. Đây là cây còn sống có tuổi thọ lớn nhất hành tinh và cũng có thể là sinh vật sống có niên đại vô địch địa cầu. Trước đó, các chuyên gia cũng tìm thấy những chiếc rễ của một cây dương lá rung có niên đại tới 80.000 ở bang Utah, Mỹ. Nhưng cây này không được coi là "nhà vô địch" về tuổi thọ trong thế giới sinh vật sống bởi nó đã chết từ rất lâu.



Xung ánh sáng ngắn nhất thế giới diễn ra chỉ trong 80 phần tỷ giây đã được tạo ra trong tháng 6. Nó đủ ngắn để được sử dụng trong việc nghiên cứu chuyển động của các electron xung quanh các nguyên tử lớn hơn. Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định rằng họ còn có thể tạo ra xung ánh sáng có thời lượng một phần nghìn tỷ giây.

 


Hồi đầu năm, các chuyên gia tại trạm thiên văn Tuorla của Phần Lan tìm thấy một hố đen có khối lượng gấp 18 tỷ lần Mặt trời. Với khối lượng ấy, nó trở thành hố đen lớn nhất trong vũ trụ.

Trong khi đó, một số nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm thấy hố đen nhỏ nhất vũ trụ trong một hệ thống sao mang tên XTE J1650. Với khối lượng gấp 3,8 lần Mặt trời, hố đen này giúp giới khoa học có thêm thông tin về giới hạn dưới đối với khối lượng của hố đen.



Trong tháng cuối cùng của năm, các nhà thiên văn Mỹ lại phát hiện những ngôi sao mờ nhất trong Ngân hà. Những ngôi sao này, được gọi là sao yếu, có độ sáng gần bằng một phần triệu độ sáng của Mặt trời.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất