Những chàng trai "chân đất" vô địch Robocon Châu Á - Thái Bình Dương 2015

Lần đầu tiên thử sức nhưng nhóm sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã mang về chức vô định cuộc thi Robocon Châu Á - Thái Bình Dương 2015 tổ chức ở Indonesia.

  • Việt Nam vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương 2015
  • Vinh danh đội vô địch robocon châu Á - Thái Bình Dương 2014

Câu chuyện về những sinh viên vô địch Robocon Châu Á - Thái Bình Dương 2015

Chiều 26/8, đoàn dự thi Robocon Hungyen Techedu (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) về đến sân bay Nội Bài trong sự chào đón của thầy cô, người thân, bạn bè. Ai cũng hân hoan niềm vui chiến thắng xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc.

Bốn ngày trước, đại diện của Việt Nam đã đánh bại Hong Kong (Trung Quốc) với tỷ số 5 -1, giành ngôi vô địch trong cuộc tranh tài ABU Robocon 2015 tại Indonesia. Ba thành viên trong đoàn gồm Lê Văn Chính, Phạm Văn Bắc, Trần Văn Mạnh, cùng 22 tuổi, đều là sinh viên năm cuối khoa Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.


Các thành viên trong đội tuyển Robocon vô địch về tới Hà Nội chiều nay. (Ảnh: H.P.)

Lần đầu tiên xuất ngoại đã mang về ngôi vô địch, Lê Văn Chính (sinh viên lớp Tự động hóa K9) chia sẻ em có cảm giác hạnh phúc xen lẫn tự hào. Chính nhận thấy trong cuộc thi này, mỗi đối thủ đều có điểm mạnh riêng. Hong Kong rất tự tin vì họ là đội mạnh, chiến thắng tất cả các trận trước đó và tiến thẳng vào chung kết. Nhật Bản thi đấu kiên cường, có tinh thần đồng đội cực kỳ cao. Trung Quốc có cách đấu bất ngờ, khó phán đoán, robot của họ tự động hoàn toàn, công nghệ vượt trội hẳn so với các đội khác.

"Bọn em đã tranh thủ thời gian để xem qua trận đấu trước đó của từng đội để đưa ra chiến thuật hợp lý, hạn chế những điểm mạnh, lợi dụng tối đa điểm yếu của đối thủ. Đấu với mỗi đội tuyển lại có chiến thuật khác nhau", Chính nói và cho biết robot của Việt Nam mạnh nhất ở những quả phát cầu với tốc độ nhanh, đường phát ngắn nên đối thủ khó định hướng để đỡ lại. Vì vậy, các em liên tục giành chiến thắng khi lọt qua bảng C cho đến khi vào chung kết, chiến thắng Hong Kong.

Chính chia sẻ ngôi vô địch là thành quả, công sức của rất nhiều người. Bắt đầu từ sự định hướng của thầy cô giáo khi tư vấn cho các em chế tạo một con robot "biết đánh cầu lông". Nhiều đêm các thành viên trong đội thức ngủ để mày mò chế tạo từng bộ phận, luyện tập các bài thi đấu. Đội tuyển Robocon Hungyen Techedu có 9 người nhưng chỉ có 3 thành viên đi thi. Khi đội tuyển thi đấu ở Indonesia, các thành viên còn lại ở trong nước vẫn dõi theo từng trận đấu và góp ý.

Trong đội tuyển, Chính là người đến với robot sớm nhất. Khi là sinh viên năm thứ hai, cậu mày mò đi theo đàn anh để làm robot và say mê từ đó. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mẹ không có nghề phụ mà chỉ trông chờ vào nghề nông. Đi học cuối tuần về, Chính thường giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, còn lại dành thời gian cho robot. Trong quá trình học, em cũng tự mình làm được một số đồ dùng trong nhà như quạt, hệ thống điện hoàn chỉnh cho một căn phòng.


Hai mẹ con Mạnh không giấu được nước mắt hạnh phúc tại sân bay. (Ảnh: H.P.)

Trong số 3 thành viên, Trần Văn Mạnh (Nam Sách, Hải Dương) có vẻ ngoài thư sinh nhất. Bước ra khỏi sân bay, Mạnh cũng là người rơi nước mắt nhiều nhất khi nhìn thấy cha mẹ. Chàng sinh viên lớp Điện tử công nghiệp cho hay không kìm nén được vì thấy quá hạnh phúc.

Học năm cuối Mạnh mới tham gia chế tạo robot nhưng đã mê ngay. "Mỗi lần nhìn thấy con robot làm ra hoạt động được, em lại thấy mê thêm, cố gắng hoàn thiện với mức độ tốt nhất có thể", Mạnh nói. Ở nhà, Mạnh thường tự làm một số sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt của gia đình như thiết kế mạch điều khiển từ xa, tự nâng cấp đồ điện.

Biết tin sáng nay con trai Phạm Văn Bắc cùng đội tuyển về tới Hà Nội, ông Phạm Văn Lý đang lái tàu trên sông Thái Bình cũng vội ra sân bay. Ông bảo hôm nhận được tin các con chiến thắng, ông mừng cả đêm không ngủ. Vợ ông đang bán cá ở chợ cũng nghỉ để về báo tin mừng với người thân. Đón con trai ở sân bay, hai vợ chồng không kìm được nước mắt vì vui mừng.

Chia sẻ cảm giác chiến thắng, Bắc nói "giống như một chiến binh đi vào trận đấu, cứ chiến đấu hết mình là được". Cũng như Mạnh, Bắc mới tham gia chế tạo robot gần một năm nay, ngay từ khi chạm tay vào robot em đã có niềm yêu thích đặc biệt.


Đội tuyển Robocon của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên có 9 thành viên. Trong đó, có 3 thành viên (mặc áo đỏ sao vàng) đi thi đấu. (Ảnh: H.P.)

Về nước nghỉ ngơi một ngày, 3 chàng sinh viên sẽ bước vào lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp vào ngày 28/8. Dù đã có nơi để nộp hồ sơ tuyển dụng nhưng Chính muốn học thêm ngoại ngữ, một số kỹ năng để chuẩn bị cho cho phỏng vấn thuận lợi nhất. Bắc muốn nghỉ ngơi ít ngày sau lễ tốt nghiệp rồi mới nộp hồ sơ đi làm; còn Mạnh sẽ học thêm, tiếp tục niềm đam mê với những con robot.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng đoàn, đồng hành với các thành viên của đội Robocon chia sẻ: "Các em giành được ngôi vô địch hoàn toàn xứng đáng". Cô Trần Thị Ngoạt, giảng viên khoa Điện - Điện tử cho hay trước khi các thành viên lên đường thi đấu, cả thầy và trò đều chuẩn bị một kế hoạch rõ ràng về nâng cấp, cải tiến, tập luyện robot. Đội tuyển có những bài tập chi tiết và các em đều tuân theo hướng dẫn của chỉ đạo viên.

"Robocon là sân chơi của sinh viên. Các em là nhân vật chính đưa ra những ý tưởng và thực hiện, thầy cô chỉ tư vấn. Người trẻ luôn có nhiều sáng kiến không bao giờ cạn nên hãy cứ tin tưởng và cho các em có cơ hội được thể hiện mình", cô Ngoạt nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất