Những chiếc đồng hồ tử thần năm 1920: người chế tác không chết cũng tàn tật
Năm 1920, nghề sản xuất đồng hồ tại Mỹ quả là một cơn ác mộng. Những chiếc đồng hồ làm ra khi ấy thực sự có thể gây chết người.
Bạn có bao giờ nghĩ đến việc chỉ đeo đồng hồ thôi cũng khiến bản thân gặp nguy hiểm chưa? Việc này sẽ xảy ra, nếu chiếc đồng hồ của bạn được chế tạo tại Mỹ vào những năm 1920. Đó là những chiếc đồng hồ khiến người liên quan đều từ chết đến tật nguyền.
Lý do thực chất bắt nguồn từ năm 1898, khi vợ chồng nhà Curie tìm thấy radium - nguyên tố phóng xạ giúp họ giành tới 2 giải Nobel. Radium tỏ ra vô cùng hữu ích trong rất nhiều lĩnh vực, nhanh chóng biến những thập niên đầu thế kỷ 20 trở thành kỷ nguyên của phóng xạ.
Radium xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Nhưng có lẽ ai cũng biết rằng radium thực chất là một con dao hai lưỡi, khi nó gây hại đến cơ thể chúng ta ở cấp độ tế bào. Ở thời gian đầu, con người chẳng biết điều đó, để rồi khi nhận ra thì radium đã xuất hiện ở rất nhiều khía cạnh của cuộc sống. Từ mỹ phẩm, y dược phẩm, hóa phẩm, cho đến các loại đồ ăn, nước uống cũng được thêm phóng xạ vào.
Trong số đó, có những chiếc đồng hồ tử thần.
Vào thời kỳ Thế chiến I, tại Mỹ có hẳn một tập đoàn mang tên Radium. Tập đoàn này đã mở ra một nhà máy tại New Jersey, trong đó rất nhiều công nhân là phụ nữ trẻ đã ngồi cả ngày để sơn mặt và kim đồng hồ.
Vấn đề là loại sơn họ dùng có chứa radium.
Việc tiếp xúc với radium đã có hại, mà cách họ làm việc còn hại hơn. Để có được nét sơn thanh, mảnh và đẹp nhất, các công nhân thường mút lấy đầu cọ vẽ. Thậm chí, họ còn lén dùng mực này để sơn móng tay, vì hiếm có loại mực nào có khả năng phát sáng trong bóng tối như vậy.
Nhiều công nhân là phụ nữ trẻ đã ngồi cả ngày để sơn mặt và kim đồng hồ.
Chất phóng xạ cứ như vậy mà thẩm thấu dần vào cơ thể người bệnh. Thảm họa đã xảy ra, khi hàng trăm người mắc bệnh thiếu máu, xương loãng đến mức gãy giòn mà chẳng rõ nguyên nhân. Số khác bị chảy máu nướu, hoại tử hàm, hoặc ốm yếu đến mức tử vong.
Như trong một bản tin vào năm 1938 có đoạn: "Charlotte Purcell, tay trái cô đã mất vĩnh viễn vì nhiễm độc. Đây là ví dụ điển hình nhất về thảm họa dành cho các công nhân sơn đồng hồ trong nhà máy".
Một chiếc đồng hồ sơn bằng radium vào năm 1930. Đến tận giờ phút này, kim giờ vẫn phát sáng.
Hay như trường hợp của Millie Maggia vào năm 1922. Cô nhiễm phóng xạ nặng đến mức cả người đổ sụp xuống, và phải chứng kiến tận mắt thân thể mình trở nên mục ruỗng. Thậm chí, toàn bộ xương hàm của cô như rời hẳn ra.
Một số nạn nhân còn bị phóng xạ ăn vào tận xương, để lại những khối u khổng lồ. Đổi lại, họ có thể phát sáng trong đêm, đủ kì dị để khiến trẻ con khóc thét.
Nhưng sự thật kinh khủng hơn, thảm họa này còn là minh chứng cho thực tế phân biệt giới tính trong xã hội ngày trước.
Công nhân nữ trước khi làm cũng đã thắc mắc về tính an toàn của loại sơn này. Câu trả lời họ nhận được là "có, rất an toàn", nhưng sự thật là các doanh nghiệp thời đó hoàn toàn ý thức được tác hại của phóng xạ. Bằng chứng là công nhân nam trong nhà máy được bảo vệ bằng các tấm kim loại để tránh nhiễm xạ, còn phụ nữ thì không.
Nhiều người nhiễm phóng xạ đến mức, họ có thể phát sáng trong đêm, đủ kì dị để khiến trẻ con khóc thét.
Tập đoàn Radium Hoa Kỳ khi ấy chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm, cho rằng công nhân viên chỉ muốn moi tiền công ty. Họ thậm chí đi xa đến mức tìm cách vùi dập thanh danh của công nhân nữ, khi tung tin rằng tình trạng của họ là do bệnh giang mai.
Những người phụ nữ quả cảm đã đấu tranh đòi quyền lợi làm việc trong một môi trường an toàn, trong khi tình trạng của bản thân ngày càng xấu đi. Xương của họ có lẽ đến ngày nay vẫn còn phát sáng.
Năm 1928, Sabin Von Sochocky - một trong những người sáng lập ra tập đoàn Radium Hoa Kỳ đã qua đời, vì chính phát minh của ông là sơn radium.
Một nhóm công nhân nữ sau đó cũng đâm đơn kiện tập đoàn này. Vụ kiện kéo dài dai dẳng, và rồi đến khi lá đơn trên giường bệnh của Wolfe Donohue được đưa ra vào năm 1938, mọi chuyện cũng chấm dứt bằng một đạo luật an toàn mới được thành lập.