Những "chiến binh" tuần lộc giúp chống biến đổi khí hậu ở Phần Lan

Cứ mỗi mùa đông lạnh giá, những chú tuần lộc ở Lapland (Phần Lan) lại được giao nhiệm vụ quan trọng, đó là ăn các khóm cây bụi giữ nhiệt, làm chậm sự nóng lên toàn cầu.

Theo đài BBC (Anh), chỉ vừa qua bữa trưa, bóng tối đã buông xuống vùng đất tuyết trắng Lapland. Cô Tiina Jeremejeff, người chăn tuần lộc ở miền bắc Phần Lan, nhanh chóng nhảy lên chiếc xe trượt tuyết đến nơi cho đàn tuần lộc của gia đình cô ăn. Những con vật này được nhốt trong chuồng lớn vào mùa đông. Giữa cái lạnh buốt giá, hơi thở của Jeremejeff gần như cũng đóng băng. Nhiệt độ ở Kierinki, cách Vòng Bắc Cực chỉ 110km về phía bắc, đã hạ xuống -15C ở. Trong rừng, lớp tuyết dày khoảng 20 m đã bao phủ mọi cảnh vật.


Chăn nuôi tuần lộc là nguồn sinh kế của hơn 20 cộng đồng bản địa khác nhau ở Bắc Cực. (Ảnh: BBC)

“Làm người chăn tuần lộc không hề dễ dàng. Khí hậu khắc nghiệt và chúng tôi phải ra ngoài cho chúng ăn dù trời có lạnh đến đâu”, cô Jeremejeff, một phụ nữ gốc Sami, chia sẻ.

Văn hóa của người Sami gắn bó chặt chẽ với nghề chăn tuần lộc và nguồn sinh kế của họ chủ yếu cũng từ loài động vật này mang lại.

Giờ đây, bằng chứng cho thấy tuần lộc có thể đóng vai trò quan trọng giúp bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái này - bao gồm lớp phủ tuyết, khu rừng thưa với những bụi dâu mọc thấp, rêu và địa y (loài sinh vật được hình thành bởi sự liên kết chặt chẽ giữa nấm và tảo) - và thậm chí cả khí hậu mùa đông lạnh giá. Nghiên cứu cho thấy rằng việc chăn thả tuần lộc trên thực tế có thể giúp chống lại một số tác động của biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, nơi đang nóng lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh.

Chăn nuôi tuần lộc là nguồn sinh kế của hơn 20 cộng đồng bản địa khác nhau ở Bắc Cực. Tổng cộng có khoảng 100.000 cư dân đang chăn nuôi khoảng 2,5 triệu con tuần lộc được thuần hóa ở 9 quốc gia.

Từ xa xưa, cộng đồng bản địa đã sử dụng tuần lộc để vận chuyển, lấy da chúng may quần áo và còn coi chúng thực phẩm. Trong những tháng ấm hơn, tuần lộc được thả đi lang thang, ăn địa y và các loại thực vật khác, giẫm đạp lên mặt đất khi di chuyển. Trong quá trình này, chúng ngăn chặn sự phát triển của cây bụi thân gỗ.


Cô Tiina Jeremejeff, người chăn tuần lộc ở Lapland. (Ảnh: BBC).

​Tại vùng Lapland lạnh giá, “cây bụi hoá” trở thành vấn đề phức tạp. Cây bụi có thể “xóa sổ” hệ sinh thái cổ xưa đặc trưng là các khu rừng thưa, được gọi là rừng phương bắc và vùng lãnh nguyên Bắc Cực không có cây cối. Cây bụi cũng có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, vì cây bụi giữ nhiệt làm tan lớp băng vĩnh cửu và làm ấm vùng lãnh nguyên.

Sự nóng lên toàn cầu trên thực tế đang đẩy nhanh quá trình cây bụi hóa ở Bắc Cực. Mùa sinh trưởng dài hơn, ấm hơn sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của thực vật. Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ có nhiều cây bụi hơn, giữ nhiều nhiệt hơn. May mắn, những chú tuần lộc lại trở thành “chiến binh” có thể giúp làm chậm quá trình này và phủ xanh vùng lãnh nguyên bằng cách ăn và giẫm đạp lên loại thực vật này.

Nghiên cứu phân tích hình ảnh vệ tinh lớp phủ cây bụi ở bán đảo Yamal, phía tây bắc Siberia cho thấy thảm thực vật trong khu vực vẫn ổn định khi số lượng tuần lộc tăng 75% từ năm 1986 đến năm 2016, mặc dù nhiệt độ mùa hè tăng.

Các tác giả của báo cáo cho biết việc chăn thả tuần lộc ở bán đảo Yamal dường như đã bù đắp được những tác động của biến đổi khí hậu. Tuần lộc cũng giúp bảo tồn môi trường sống vùng lãnh nguyên để các loài bản địa như rêu, địa y và cây liễu mọc thấp có thể tiếp tục phát triển.

Cô Jeremejeff và những người chăn tuần lộc khác ở Lapland đã tận mắt chứng kiến điều này.

Cô cho biết: "Tuần lộc ăn địa y và các loại thực vật khác. Chúng cũng giẫm đạp lên thực vật để đảm bảo thảm thực vật không quá dày và khiến mặt đất lạnh hơn. Thảm thực vật dày trên mặt đất sẽ giữ rất nhiều nhiệt. Nếu không có lá và cỏ, mặt đất sẽ bị đóng băng nhiều hơn và đóng băng sớm hơn vào mùa đông”.

Cô Tiina Sanila-Aikio cũng là một người chăn tuần lộc người Sami và là cựu chủ tịch hội đồng người Sami trong Quốc hội Phần Lan.

Những con tuần lộc của Aikio lang thang quanh năm trong những khu rừng quanh hồ Inari ở cực bắc Phần Lan. Cô nói rằng chăn nuôi tuần lộc là giải pháp để duy trì sinh thái ở cả vùng lãnh nguyên và rừng phương bắc, bất chấp những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

“Rừng ở đây khá rộng và thưa. Đó là nhờ có đàn tuần lộc. Nếu không có chúng, cảnh quan sẽ hoàn toàn khác. Khi trời ấm hơn, mọi loài phát triển nhanh hơn nhiều. Chúng tôi cần tuần lộc để giữ cho rừng luôn rộng và thưa như vậy”, Aikio nói.

Cách ăn thực vật của tuần lộc cũng có tác động đến khả năng phản xạ nhiệt của tuyết và băng. Nghiên cứu cho thấy cây bụi làm tăng tốc độ tan chảy của băng tuyết vào mùa xuân, vì chúng giữ nhiệt và tạo ra hơi ấm thông qua những cành cây sẫm màu vươn lên phía trên tuyết. Bằng cách loại bỏ cây bụi, tuần lộc có thể giúp làm chậm quá trình tan chảy, bảo tồn lớp phủ tuyết và tác dụng làm mát, phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này có thể đặc biệt quan trọng ở vùng lãnh nguyên, nơi không có cây che phủ.


Tuần lộc giúp làm chậm sự nóng lên toàn cầu. (Ảnh: BBC).

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho việc chăn nuôi tuần lộc trong những năm gần đây. Băng tuyết dày và cứng khiến điều kiện chăn thả trở nên xấu đi do băng giữ lại địa y, thức ăn chính của tuần lộc trong mùa đông. Tuần lộc cũng không thể đào xuyên qua lớp băng cứng để tìm thức ăn.

Để ngăn chặn tình trạng này, một số người chăn nuôi, bao gồm cả gia đình cô Jeremejeff, đã bắt đầu quây rào để nuôi tuần lộc vào mùa đông. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng cung cấp cho tuần lộc thức ăn bổ sung như cỏ khô và thức ăn viên..

Tuy nhiên, nếu tuần lộc bị nuôi nhốt trong thời gian dài, đó có thể là tin xấu đối với khí hậu. Nghiên cứu cho thấy tuần lộc tự do di chuyển, giẫm lên thực vật có tác dụng mạnh mẽ giúp ngăn chặn hiện tượng cây bụi và sưởi ấm bề mặt.

Người Sami cũng tin rằng việc duy trì chăn thả tuần lộc rất quan trọng giúp duy trì sự cân bằng môi trường tự nhiên.

“Thiên nhiên là tất cả đối với người Sami và chúng tôi rất tôn trọng điều đó. Chúng tôi lấy tài nguyên từ thiên nhiên: hái dâu, bắt cá và lấy thịt tuần lộc. Nhưng không thể chỉ lấy đi, chúng tôi cũng phải trả ơn cho thiên nhiên”, cô Sanila-Aikio nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất