Những cột đá nhọn kỳ lạ trên sao Hỏa
Robot tự hành Curiosity phát hiện những khối đá "gân guốc" hôm 15/5, theo hình ảnh gửi về Trái Đất.
Những bức ảnh chụp vào ngày 3.474 trên sao Hỏa của nhiệm vụ khi Curiosity tiến tới kết thúc thập kỷ đầu tiên hoạt động ở hành tinh đỏ vào hôm 6/8. "Những cột đá nhọn nhiều khả năng là kết quả từ quá trình bồi lấp các vết nứt cổ đại ở đá trầm tích", Viện SETI giải thích hôm 26/5. "Đá trầm tích được hình thành từ nhiều lớp cát và nước, nhưng phần còn lại của cột đá được tạo bởi vật liệu mềm hơn và bị xói mòn".
Hình dáng của cột đá có thể do ảnh hưởng của lực hấp dẫn của sao Hỏa, chỉ bằng 1/3 so với lực hấp dẫn trên Trái Đất. Tuy nhiên, SETI không nhắc tới các yếu tố môi trường khác. Họ cũng không nêu rõ kích thước của cột đá.
Vào ngày thứ 3.743 và 3.745, Curiosity làm việc ở một địa điểm tại núi Sharp (Aeolis Mons) có tên Mirador Butte, theo thông báo của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA. Camera Mast (Mastcam) của Curiosity sẽ rất bận rộn ở địa điểm thú vị này, theo Susanne Schwenzer, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Mở ở Anh. Một lớp đá trên ngọn đồi gần đó gọi là "Sierra Maigualida" có thể hé lộ kết cấu của đỉnh đồi.
Robot tự hành Curiosity cũng sẽ tiến hành phân tích đa phổ mục tiêu thứ hai có tên gọi "San Pedro" và sử dụng kỹ thuật chụp ảnh stereo để ghi hình một đặc điểm hình thành từ trầm tích thông qua thay đổi về vật lý và hóa học. Curiosity đang tham gia kế hoạch dài hạn nhằm tìm kiếm điều kiện ở được tại miệng hố Gale.
Một robot mới hơn của NASA là Perseverance hạ cánh hôm 18/2/2021 đang tìm kiếm vi khuẩn cổ đại ở vùng châu thổ sông bên trong miệng hố Jezero. Theo kế hoạch, Perseverance sẽ lưu trữ một số mẫu vật để đưa trở về Trái Đất trong nhiệm vụ tương lai vào thập niên 2030.