Những điều cần biết về thụ tinh trong ống nghiệm

Kể từ khi ra đời, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) luôn là chỗ bám víu cuối cùng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn sinh em bé, khi tất cả các giải pháp hỗ trợ khác đều cúi đầu chào thua.

Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp thụ tinh theo đó trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể, trong ống nghiệm. Đây là một phương pháp được áp dụng sau khi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã thất bại, được áp dụng cho những được dành cho những cặp vợ chồng hay những người phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản, vì bất kỳ lý do gì đó, tinh trùng không thể thụ tinh cho trứng bằng phương pháp tự nhiên. Sự rụng trứng được điều khiển bởi hormone và trứng đã thụ tinh sẽ được đưa vào tử cung.

Sở dĩ, phương pháp được coi là giải pháp cho các cặp hiếm muộn này mang tên thụ tinh trong ống nghiệm bởi cha đẻ của nó, bác sĩ Robert G. Edwards đã tiến hành toàn bộ các nghiên cứu trong loại ống nghiệm thông thường. Đạt được thành công năm 1978, phương pháp này được gọi với đúng bản chất của nó thời điểm bấy giờ.


Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp thụ tinh theo đó trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể, trong ống nghiệm.

Hiện nay, việc thụ tinh không còn được tiến hành trong ống nghiệm, thay vào đó, quá trình này diễn ra trên các đĩa Petri. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm theo cách gọi truyền thống bởi về mặt bản chất, không quá nhiều thứ được thay đổi.

Các nghiên cứu cho biết, việc tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm từ phôi đông lạnh sở hữu khả năng thành công cao hơn cùng với sự an toàn hơn cho phôi thai so với những phôi tươi được lấy trực tiếp từ cơ thể bố mẹ. Thậm chí, sử dụng phôi đông lạnh còn giúp giảm thiểu nguy cơ chảy máu trong thời kỳ mang thai, hạn chế sinh non cũng như đảm bảo đủ cân nặng cho thai nhi.

Trên thực tế, thụ tinh trong ống nghiệm được coi là cứu cánh cho các cặp hiếm muộn bởi khả năng vượt trội mà nó sở hữu. Cụ thể, mọi trục trặc liên quan tới quá trình sinh nở, bao gồm các vấn đề ở cơ quan sinh sản nữ cũng như chất lượng tinh trùng thấp ở nam giới đều dễ dàng được khắc phục.

Để tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đa phần các bác sĩ thường cấy ghép đồng thời 2-4 phôi thai vào cơ thể người mẹ tại cùng một thời điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, những người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thường có tỷ lệ sinh đôi, sinh ba hoặc sinh tư cao hơn rất nhiều so với bình thường. Tuy nhiên, mang đa thai khiến cơ thể người mẹ bị quá tải, gây ảnh hưởng ngược trở lại tới sự thành công của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Chính vì lẽ đó, các bác sĩ là những người đưa ra lời khuyên hợp lý nhất cho những cặp bố mẹ mong mỏi có con.

Trên thực tế, tỷ lệ sinh thành công đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm không phải là tuyệt đối. Đặc biệt, tỷ lệ sinh thành công ở những cặp đôi trẻ tuổi cao hơn nhiều so với những người lớn tuổi muốn sinh con bằng biện pháp này. Cụ thể, tỷ lệ thành công ở nhóm người dưới 21 tuổi lên tới 35,3% trong khi tỷ lệ thành công ở những người trên 37 tuổi chỉ đạt 27,4%. Đặc biệt, không trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm nào thành công đối với nhóm người trên 48 tuổi.

Quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm

1. Xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản

Xét nghiệm vợ

Xét nghiệm nội tiết là xét nghiệm định lượng nồng độ các loại nội tiết sinh dục trong máu như FSH, LH, estradiol, testosterone, SHBG nhằm đánh giá tình trạng nội tiết của buồng trứng và các cơ quan có liên quan đến hoạt động sinh sản. Đây là một trong những xét nghiệm góp phần chẩn đoán số lượng noãn còn lại trong buồng trứng cũng như tiên lượng đáp ứng của buồng trứng với thuốc kích thích trong trường hợp sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Thời gian gần đây, AMH (anti-Mullerian hormone) được xem là một xét nghiệm nội tiết chính xác hơn và có thể thay thế cho FSH, LH và estradiol trong đánh giá dự trữ buồng trứng. Nếu như FSH, LH và estradiol cần được xét nghiệm vào những ngày đầu của chu kỳ kinh - từ ngày 1 đến ngày 5, AMH có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh.

Thông thường, tất cả bệnh nhân đến khám hiếm muộn đều được cho thực hiện các xét nghiệm máu về HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai và Chlamydia trachomatis.

Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn có thể được lây truyền qua đường tình dục. Đối với đa số các phụ nữ, Chlamydia trachomatis tự khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, với một số trường hợp khác, sự viêm nhiễm có thể lan lên tử cung và hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ hiếm muộn do tổn thương vòi trứng. Do đó, xét nghiệm tầm soát Chlamydia thường được phối hợp với các xét nghiệm khác trong chẩn đoán các tổn thương do vòi trứng.

Siêu âm phụ khoa qua ngả âm đạo giúp phát hiện các bất thường về phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, các bất thường bẩm sinh của đường sinh dục (tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung,…), buồng trứng dạng đa nang.

Trong khám hiếm muộn, siêu âm phụ khoa cũng nên được tiến hành vào những ngày đầu của chu kỳ kinh, không những để chẩn đoán các bất thường nêu trên mà còn giúp đếm số nang noãn có trên buồng trứng. Siêu âm đếm nang noãn cũng là một yếu tố cận lâm sàng giúp đánh giá số trứng còn lại trên buồng trứng và tiên lượng đáp ứng buồng trứng với thuốc kích thích buồng trứng.

Xét nghiệm chồng

Tinh dịch đồ là một xét nghiệm đơn giản, chi phí chấp nhận được, đồng thời cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong chẩn đoán và điều trị. Mẫu tinh dịch được lấy bằng cách thủ dâm sau 2-7 ngày kiêng quan hệ tình dục. Lấy tinh dịch khi kiêng quan hệ dưới 2 ngày thường cho kết quả với số lượng tinh trùng ít. Ngược lại, khi kiêng quan hệ quá lâu sẽ làm cho tỷ lệ phần trăm tinh trùng di động giảm. Mẫu tinh dịch phải được chứa trong một dụng cụ đặc biệt, được làm bằng chất liệu không độc cho tinh trùng.

Thông qua kết quả tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ đánh giá về chất lượng của mẫu tinh dịch được xét nghiệm: tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng bất thường hay không có tinh trùng. Ngoại trừ trường hợp không tinh trùng, tinh dịch đồ không giúp khẳng định khả năng sinh sản của bệnh nhân, chỉ mang tính chất gợi ý. Chất lượng tinh trùng có thể thay đổi giữa các lần làm tinh dịch đồ khác nhau.

Trong năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới đã chuẩn hóa và đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của một tinh dịch đồ bình thường:

Các xét nghiệm khác

Người chồng cũng được làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan, HIV, giang mai. Đối với trường hợp không có tinh trùng, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm chuyên biệt khác như định lượng nội tiết sinh dục trong máu (FSH, LH, Testosterone), siêu âm bìu, siêu âm qua ngả trực tràng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được mổ sinh thiết tinh hoàn trước khi có quyết định điều trị.


Hiện nay, quá trình thụ tinh thường diễn ra trên các đĩa Petri.

2. Xét nghiệm tiền mê

Bệnh nhân được xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tim, X-quang phổi giúp đánh giá thể trạng trước khi thực hiện thủ thuật chọc hút noãn và mang thai.

3. Kích thích buồng trứng

Kích thích buồng trứng được thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể. Thời gian kích thích buồng trứng có thể thay đổi từ 2 tuần đến 4 tuần lễ, tùy bệnh nhân được áp dụng phác đồ tiêm thuốc ngắn ngày hay dài ngày.

Số lượng nang noãn và tốc độ phát triển nang noãn trong các chu kỳ có kích thích buồng trứng phụ thuộc vào loại thuốc và phác đồ kích thích buồng trứng được sử dụng. Siêu âm giúp đánh giá số lượng và sự phát triển của nang noãn, từ đó giúp điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời để đạt được sự đáp ứng buồng trứng tối ưu và giảm thiểu các biến chứng có thể có. Trong quá trình kích thích buồng trứng, bệnh nhân sẽ được siêu âm nang noãn từ 2 đến 3 lần. Khi nang noãn đạt kích thước 18-20 mm, bệnh nhân sẽ được tiêm hCG, thuốc giúp trưởng thành noãn và gây phóng noãn.

Song song quá trình siêu âm nang noãn, việc định lượng nội tiết cũng cần thiết trong quá trình theo dõi sự phát triển nang noãn. Định lượng estradiol (E2) thường được sử dụng trong quá trình theo dõi sự phát triển của nang noãn do có sự tương quan giữa nồng độ E2 trong máu và sự phát triển của nang noãn. Thông thường nồng độ E2 sẽ tăng gấp rưỡi hay gấp đôi ngày hôm trước dự báo nang noãn phát triển tốt.

Ngoài ra, định lượng nồng độ LH và progesterone cũng sẽ giúp tiên đoán về chất lượng của trứng. Thông thường nồng độ 2 chất này trong máu thường thấp trong quá trình kích thích buồng trứng. Nếu nồng độ LH và progesterone tăng cao có thể làm giảm chất lượng noãn, chất lượng phôi.

4. Chọc hút noãn

Bệnh nhân sẽ được chọc hút noãn khoảng 36-40 giờ sau tiêm hCG. Chọc hút noãn được thực hiện qua ngả âm đạo và bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và gây mê toàn thân. Bệnh nhân không ăn uống trước chọc hút trứng 4 giờ. Noãn sau khi được chọc hút sẽ được chuyển qua phòng labo để xử lý và kết hợp với tinh trùng người chồng để tạo thành phôi. Sau khi kết hợp trứng và tinh trùng tạo thành phôi, phôi sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm từ 2 đến 3 ngày hay 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người vợ.

5. Chuyển phôi

Phôi sau khi được nuôi trong ống nghiệm 2-3 ngày (hoặc 5 ngày) sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Số phôi chuyển tùy thuộc vào tuổi người vợ, nguyên nhân hiếm muộn, số chu kỳ thực hiện trước đó cũng như chất lượng hiện tại của phôi. Bác sĩ sẽ quyết định số phôi chuyển sao cho đạt tỷ lệ có thai cao nhất và giảm thiểu nguy cơ đa thai.

Thông thường chuyển trung bình khoảng 2-3 phôi với tỷ lệ thai đạt được khoảng 35-40%. Sau chuyển phôi bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ tại chỗ 1-2 giờ, sau đó có thể đi lại bình thường. Sau chuyển phôi, nếu còn phôi dư và tốt bệnh nhân sẽ được tư vấn trữ lạnh phôi để có thể sử dụng cho những chu kỳ sau. Bệnh nhân được dùng thuốc hỗ trợ cho quá trình làm tổ của phôi 2 tuần trước khi thử thai.

6. Thử thai

Thực hiện sau 2 tuần chuyển phôi. Bệnh nhân sẽ được định lượng beta-hCG trong máu. Nếu kết quả thử thai dương tính, bệnh nhân được hẹn siêu âm để xác định thai 3 tuần sau. Giá trị beta-hCG càng cao, khả năng đa thai càng cao.

7. Siêu âm thai

Siêu âm thực hiện sau 3 tuần nếu kết quả beta-hCG dương tính. Siêu âm nhằm xác định chính xác có thai hay không, số lượng thai và tình trạng thai.

Những điều nên và không nên làm khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Bệnh nhân ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nên ăn nhiều chất đạm (thịt, cá) và uống nhiều nước có thể giúp giảm nhanh tình trạng quá kích buồng trứng.

Người chồng không nên hút thuốc lá vì có thể ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng của phôi và kết quả có thai. Người vợ không làm việc nặng cũng như không tập những môn thể thao nặng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Quan hệ vợ chồng nên tránh trong giai đoạn kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất