Những hàng lỗ bí ẩn dưới đáy Đại Tây Dương

Các nhà thám hiểm Mỹ vừa phát hiện những hàng lỗ bí ẩn dưới đáy Đại Tây Dương.

Hơn chục lỗ bí ẩn như thể tạo thành đường kẻ, được phương tiện điều khiển từ xa phát hiện ở độ sâu 2,6km tại khu vực Azores, gần đất liền của Bồ Đào Nha.

Các nhà khoa học trước đây cũng từng phát hiện những dấu vết tương tự nhưng hiện vẫn chưa thể lý giải những lỗ bí ẩn này là gì, do đâu mà có. Họ chỉ tạm gọi nó là "Lebensspuren", tiếng Đức có nghĩa "dấu vết sự sống" - ám chỉ có thể do các sinh vật sống tạo nên.

"Điều gì đã tạo ra những dấu vết đó dưới đáy đại dương? Nguồn gốc của nó đang khiến các nhà khoa học bối rối" - bài đăng trên Twitter và Facebook của dự án Thám hiểm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) thừa nhận.


Hàng lỗ bí ẩn dưới đáy biển được phát hiện hôm 23-7. (Ảnh: NOAA/New York Times)

Thực tế, đã có dấu vết tương tự lần đầu được phát hiện dưới đáy biển cách đây khoảng 20 năm trước nhưng nhận định về nguồn gốc của nó đến nay còn rất nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến cho rằng nó do "con người tạo ra", có ý kiến lại khẳng định chúng có thể là "dấu hiệu từ người ngoài Trái đất". Số khác đặt câu hỏi: "Chúng có phải là dấu vết do tàu ngầm để lại không? Hay chúng có thể là lỗ thở của một sinh vật biển tự chôn sâu mình dưới cát?".

Tiến sĩ Vecchione, chuyên gia của NOAA thừa nhận: "Có điều gì đó đang diễn ra nhưng chúng tôi chưa thể giải mã. Còn có rất nhiều bí ẩn về hàng lỗ dưới đáy biển mà chúng tôi mới vừa phát hiện ra ở Azores".


Phương tiện điều khiển từ xa của NOAA. (Ảnh: New York Times)

Còn các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Biển ở Na Uy nhận định: "Chúng đều do sinh vật biển tạo nên trong quá trình đi hoặc bơi trên lớp trầm tích. Cũng có thể do sinh vật biển đào hang dưới lớp cát và đâm lên tạo thành lỗ".

Dự kiến, ngày 7-8 tới, NOAA tiếp tục có chuyển thám hiểm thứ ba kể từ tháng 5-2022. "Chúng tôi hy vọng rằng sẽ sớm có câu trả lời về hàng lỗ bí ẩn dưới đáy biển này. Có thể, qua đây mở rộng hiểu biết của chúng ta về điều kiện có thể tồn tại ở các hành tinh khác" - các nhà khoa học của NOAA nói thêm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất