Những ngày hè oi nóng có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai

Theo Live Science, thời tiết nóng bức có thể gây khó chịu cho bất kỳ người nào. Nhưng đối với phụ nữ mang thai, sức nóng mùa hè lại đặc biệt nguy hiểm. Đó là bởi vì khi cơ thể quá nóng và mất nước sẽ có nguy cơ xảy ra những biến chứng thai kỳ.

Tiến sĩ Saima Aftab, giám đốc y khoa của Trung tâm chăm sóc thai nhi tại bệnh viện nhi Nicklaus ở Miami cho biết: "Sự mất nước có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai. Theo nguyên tắc chung, các bác sĩ sẽ khuyến cáo phụ nữ mang thai tránh để khiến cơ thể trở nên quá nóng trong bất cứ trường hợp nào".

Sự tăng thân nhiệt và giai đoạn đầu của thai kỳ

Theo tiến sĩ Aftab, điều đáng lo ngại là khi thai phụ sốt cao hoặc nhiệt độ cơ thể cao bất thường vào đầu thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, có bằng chứng cho thấy những người phụ nữ bị tăng thân nhiệt trong 6 đến 8 tuần đầu của thai kỳ có nguy cơ cao khiến trẻ bị khuyết tật não hoặc tủy sống (chứng khuyết tật ống thần kinh), chẳng hạn như tật nứt đốt sống.

Phụ nữ có thể bị tăng thân nhiệt do sốt cao, tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng bên ngoài hoặc thậm chí ngâm mình trong bồn nước nóng. Thật vậy, Mayo Clinic khuyên phụ nữ không nên dành quá 10 phút trong bồn tắm nước nóng để tránh nguy cơ tăng thân nhiệt.

Tuy nhiên, Aftab lưu ý rằng nguy cơ dị tật bẩm sinh do tăng thân nhiệt chủ yếu được giới hạn trong tám tuần đầu của thai kỳ. Nói cách khác, sự tăng đột biến của nhiệt độ cơ thể sau tám tuần đầu mang thai không có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.


Nguy cơ dị tật bẩm sinh do tăng thân nhiệt chủ yếu được giới hạn trong tám tuần đầu của thai kỳ.

Và ngay cả khi một thai phụ trải qua sự tăng thân nhiệt ở giai đoạn đầu của thai kỳ thì nguy cơ trẻ bị khuyết tật ống thần kinh vẫn còn thấp. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, có khoảng 1.500 trẻ sinh ra bị tật nứt đốt sống ở Hoa Kỳ mỗi năm, tỷ lệ khoảng 3 ca/​​10.000 ca sinh.

Những rủi ro khi cơ thể mất nước

Cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi trong thai kỳ, bao gồm những thay đổi trong cách cơ thể xử lý chất lỏng và kiểm soát nhiệt độ Kết quả là họ có thể bị mất nước dễ dàng hơn hoặc có nhiều biểu hiện của triệu chứng mất nước hơn khi không mang thai.

Các triệu chứng mất nước có thể bao gồm chóng mặt hoặc choáng váng, điều này có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai nếu những triệu chứng này khiến họ té ngã. Theo Mayo Clinic, việc mẹ bầu té ngã vào cuối tam cá nguyệt thứ hai và đầu tam cá nguyệt thứ ba có thể gây hại cho cả mẹ và em bé, dẫn đến các biến chứng như suy giảm nước ối.

Ngoài ra, sự mất nước của cơ thể làm cho não xuất ra một loại hormone gọi là vasopressin (còn được gọi là hormone chống bài niệu), gây nên cơn khát. Nhưng hormone này tương tự như oxytocin, hormone kích thích các cơn co thắt tử cung. Kết quả là mất nước trong tam cá nguyệt thứ ba có thể kích hoạt các cơn co thắt tử cung liên tục bởi vì cơ chế vasopressin hoạt động tương tự như oxytocin.

Theo Trung tâm Y tế Đại học Tây Nam Texas, những cơn co thắt này không phải là đau đẻ "thực sự", thường có thể được điều trị bằng việc bù nước. Nhưng cũng có thể các cơn co thắt sẽ kích hoạt chuyển dạ sinh non. Mất nước dẫn đến việc chuyển dạ cũng nguy hiểm, vì nó có thể gây ra các biến chứng như huyết áp thấp và giảm thể tích máu.

Vì tất cả những lý do trên, điều quan trọng là phụ nữ mang thai phải duy trì nước. "Chúng tôi biết rằng sẽ không có điều gì tốt đẹp xảy ra nếu thai phụ bị mất nước trong thai kỳ", Aftab nói.


Điều quan trọng là phụ nữ mang thai phải duy trì nước.

Một số nghiên cứu đã nhận thấy rằng thời tiết ấm áp ở một số vùng nhất định sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Ví dụ, trong một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí dịch tễ học American Journal of Epidemiology, các nhà nghiên cứu đã xem xét liệu phơi nhiễm với nhiệt độ nào đó trong thai kỳ có liên quan đến nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2,500 gram). Dựa vào số liệu của 2 triệu trẻ sinh ra ở California từ năm 1999 đến năm 2013, họ phát hiện ra rằng mỗi 10 độ gia tăng nhiệt độ trên 15,5 độ C có liên quan đến việc tăng 16% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.

Mặc dù vậy, nghiên cứu chỉ tìm thấy một mối liên quan, không phải là mối quan hệ nguyên nhân-kết quả rõ ràng và không tính đến trường hợp người mẹ có cách giảm nhiệt độ bằng cách sử dụng máy điều hòa. Như vậy, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận kết quả chính xác.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy phụ nữ có thai và bào thai của họ dễ bị tổn thương sau khi tiếp xúc với môi trường xung quanh. Nghiên cứu kết luận, trong các cảnh báo tư vấn về nhiệt, phụ nữ mang thai nên được xem như một nhóm dễ bị tổn thương để phòng ngừa thêm.

Theo lời khuyên của Aftab, vào những ngày nóng, thai phụ nên cố gắng đứng dưới ánh nắng quá lâu và nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt bằng cách ở trong bóng râm. Để giữ nước, phòng khám Cleveland khuyến cáo phụ nữ mang thai uống từ 10 đến 12 ly nước mỗi ngày.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất