Những ngôi mộ cổ 4.000 năm tuổi ở Tân Cương
Một khu vực chôn cất cổ mới được khai quật ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, với hơn 200 ngôi mộ có niên đại khoảng 4.000 năm.
>>> Phát hiện hai bộ xương nắm tay nhau suốt 700 năm
Vị trí phát hiện nghĩa trang Wutulan nằm ở vùng Nileke, thuộc khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Tại nghĩa trang Wutulan, các nhà khảo cổ phát hiện hơn 200 ngôi mộ được xây cách đây khoảng 4.000 năm.
Hoạt động khai quật do Cơ quan Văn hóa Di tích của Tân Cương tiến hành và kết thúc hôm 15/9. Theo các nhà khảo cổ, những phòng chôn cất ở đây được phát hiện lần đầu tiên tại khu vực này.
Trong quá trình nghiên cứu, họ khai quật 8 ngôi mộ và tìm thấy ba bệ hiến tế.
Bộ xương của một phụ nữ bên trong phòng chôn cất dưới mặt đất.
Nhóm chuyên gia phát hiện một ngôi mộ khác biệt có kích thước lớn. Bên trong là một số quan tài bằng đá chứa xương trẻ em, mỗi đứa trẻ được chôn cùng một chiếc bát.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, những phát hiện trên chứng tỏ nền văn hóa Andros Novo từng chiếm ưu thế ở khu vực thung lũng sông Ili. Con sông này nằm ở tây bắc Trung Quốc.
Văn hóa Andro Novo là tên gọi chung của một nhóm văn hóa khảo cổ gần gũi thuộc thời đại đồ đồng, kéo dài từ năm 2300-1000 trước Công nguyên ở tây Siberi, phía tây của Trung Á và nam Ural. Tên gọi của nó có nguồn gốc từ làng Andronovo, gần thành phố Achinsk của Nga. Năm 1914, các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện được các mộ táng thuộc văn hóa này.