Những núi lửa đáng sợ trong lịch sử
Nhân sự kiện núi lửa Redoubt lại phun trào, trang website khoa học Popsci đã điểm lại một số "địa chỉ đỏ" về hoạt động địa chất trong lịch sử.
Trận phun trào của núi lửa Santa Maria, cùng ngọn núi lửa anh em của nó là Santiaguito được coi là một trong những trận phun trào lớn nhất thế kỷ 20. Ngọn núi lửa này tung nham thạch vào năm 1902, trước đó mọi người vẫn nghĩ là nó đang “ngủ yên”. 20 tỷ m3 đất đá đã phun lên bầu trời Guatemala. Một phần tro bụi bay đến tận California, Mỹ. Kể từ đó, Santa Maria được Hiệp hội Khoa học núi lửa và Hoá học Quốc tế (IAVCEI) bầu chọn là một trong 16 “Ngọn núi lửa của thập kỷ”.
Núi lửa Changbai (hay núi Baekdu, Bạch Đầu Sơn) là biên giới tự nhiên phân cách giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên. Ngọn núi lửa hoạt động lần cuối vào năm 1903. Trước đó, đợt phun trào lịch sử diễn ra vào năm 1000 có cấp độ 7/8 tính theo chỉ số phun trào núi lửa VEI.
Là điểm nhấn lộng lẫy của Công viên Quốc gia ở Oregon, vùng hồ Crater thực chất là phần còn lại của một ngọn núi lửa lớn có tên là Mazama. Khoảng 7.000 năm trước đây, ngọn núi lửa cao gần 3.352 m đã có đợt phun trào lớn tới mức "thổi bay" 731 m chiều cao của cả ngọn núi.
Hiện nay, trên một quần đảo ở tận cùng phía nam Nhật Bản, miệng núi lửa Kikai có sự liên kết với bốn ngọn núi lửa khác. Và khi ngọn núi lửa lớn nhất phun trào liên tục thì những đợt phun trào này cũng chỉ có quy mô nhỏ nếu so sánh với đợt phun trào diễn ra vào năm 4.350 trước công nguyên (được các nhà địa chất thu thập dấu vết và kết luận). Vụ nổ đó đã tạo nên một miệng núi lửa rộng lớn, và được xếp vào cấp độ 7/8 theo chỉ số phun trào núi lửa VEI.
Núi lửa Santorini ở Hy Lạp là một trong những “ngọn núi lửa của thập kỷ” được tổ chức IAVCEI bình chọn. Hiện ngọn núi tọa lạc trên một quần đảo giữa Địa trung hải, nhưng trước đó Santorini từng là một hòn đảo biệt lập. Sự thay đổi diễn ra sau đợt phun trào có cấp độ 7/8 theo thang VEI vào năm 1610 trước công nguyên. Ngoài việc ảnh hưởng tới diện mạo của tự nhiên, đợt phun trào của núi Santorini còn làm suy yếu nền văn minh Minoan trên đảo Crete và rất có thể là nguồn gốc của truyền thuyết về sự tồn tại và biến mất của lục địa huyền thoại Atlantic.
Khi nói tới những đợt phun trào núi lửa nổi tiếng nhất từ trước tới nay, phải kể tới đợt phun trào của núi lửa Krakatoa vào tháng 8/1883. Đợt phun trào đã phá huỷ hoàn toàn đảo quốc Indonesian. Khối khói bụi dung nham trào ra ước tính có thể lấp kín sân vận động của ĐH Michigan 40.000 lần.
Cũng như núi Krakatoa, núi lửa Tambora thuộc đảo Indonesia ngày nay. Những dấu vết của đợt phun trào vào năm 1813 và đỉnh điểm là vụ nổ vào năm 1815 được xem là đợt phun trào núi lửa lớn nhất của kỷ nguyên hiện đại. Toàn bộ khói bụi phun lên bầu trời đủ để bao phủ một tầng tro bụi dày 1,5 dặm lên toàn bộ đảo Manhattan. Đợt phun trào đã làm nhiệt độ toàn cầu giảm xuống 3 độ, gây ra hiện tượng “một năm không có mùa hè”. Lương thực toàn cầu trở nên thiếu hụt khi tro bụi che khuất mặt trời. Mùa đông năm đó, tuyết nâu và đỏ đã rơi trên phạm vi toàn thế giới, và gây ra đợt lạnh kéo dài vào năm 1815.
Nằm ở New Zealand, núi lửa Taupo đã có hai lần phun trào ở cấp độ 6/8 theo chỉ số VEI. Tuy nhiên, đợt phun trào của núi lửa Oruanui (gần đó) cách nay 26.000 năm mới thực sự là vụ khủng khiếp nhất. Đợt phun trào đó đã giải phóng một lượng dung nham đủ để bao phủ một lớp dày 0,05 m lên toàn bộ châu Âu. Đợt phun trào này lớn tới mức phải mất 17.000 năm để khí hậu có thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra thảm hoạ.
Tuy nhiên, không thể so sánh vụ phun trào núi lửa lớn nhất trên Trái đất với hoạt động địa chất tương tự trên “mặt trăng” của sao Mộc. Lần quan sát đầu tiên được NASA thử nghiệm với vệ tinh Voyager 1, những ngọn núi lửa trên đó hoạt động dữ dội tới mức vỏ dung nham bao phủ một lớp dày khoảng 321.870 m lên bề mặt của mặt trăng này. Sức mạnh núi lửa ở đây là do chất lỏng ở tâm mặt trăng luôn bị xáo trộn mạnh mẽ dưới lực hút của sao mộc.