Những sự thật bất ngờ về vườn thú

Triệu chứng rối loạn tâm thần, vấn đề tuổi thọ hay tình bạn của các loài sống trong vườn thú là những sự thật bất ngờ về nơi nuôi giữ động vật hoang dã.

1. Tuổi thọ của động vật trong sở thú

So với những động vật sống ở môi trường hoang dã, các loài được nuôi trong sở thú thường sống lâu hơn vì được cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, được chăm sóc sức khỏe và có nơi trú ẩn an toàn, hạn chế nguy cơ bị tấn công. Tuy nhiên, các con voi châu Á và châu Phi được sinh ra ở vườn thú chỉ có tuổi thọ từ 17-19 năm, trong khi tuổi thọ trung bình của những con sống ở môi trường tự nhiên là 56 năm. Trên thực tế, những loài được sinh ra ở môi trường hoang dã và đưa vào nuôi ở sở thú có tuổi thọ cao hơn những con được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt.

2. Triệu chứng Zoochosis

Zoochosis là một từ ghép giữa vườn thú và hiện tượng rối loạn tâm thần. Đây là từ chỉ các triệu chứng ở động vật bị nuôi nhốt, thường có các hành vi bất thường và lặp đi lặp lại. Nguyên nhân của hiện tượng này là do động vật bị tách khỏi môi trường tự nhiên, bị tiêm thuốc, tác động của điều kiện nuôi nhốt hay ảnh hưởng của con người nói chung. Động vật thường có các triệu chứng như cắn, cấu xé hay liếm các lồng nhốt, dùng móng vuốt hoặc răng bấu và cào lên tường, đi lại theo một tuyến đường nhất định, nôn mửa, cắn móng, ăn phân, ôm đầu gối...

3. Tình bạn của động vật

Không phải loài động vật nào cũng hòa thuận trong khi sinh sống với nhau, đặc biệt là động vật ăn thịt. Mặc dù vậy, những người trông coi vườn thú ở Công viên Garold Wayne Interactive, bang Oklahoma, Mỹ, cho biết một con tinh tinh, một con sói và hai con hổ con sống ở đây rất hòa thuận và gắn bó với nhau. Một trường hợp khác cũng ghi nhận mối quan hệ thân thiết của con gấu Baloo, hổ Shere Khan và sư tử Leo. Không chỉ ăn cùng nhau, mà chúng còn thường vui chơi, đùa nghịch và ôm ấp nhau. Ba con vật này được giải cứu trong một vụ triệt phá trùm ma túy ở bang Georgia, năm 2001, khi chúng được 3 tháng tuổi.

4. Cấm mặc trang phục in họa tiết động vật

Lệnh cấm mặc quần áo có in hình động vật như hổ, báo, linh cẩu, hươu cao cổ, linh dương..., được ban hành tại khu tham quan Chessington World of Adventures, Anh. Đây là quy định được đưa ra sau khi các quan chức nhận thấy các loài động vật ở vườn thú Zufari thường tiến lại gần những người mặc trang phục có màu sắc và họa tiết giống bộ lông hoặc bộ da của chúng, hoặc chạy trốn khỏi những người mặc áo in họa tiết giống các loài động vật ăn thịt hung dữ. Những người vi phạm quy định có hai lựa chọn, hoặc là đi về, hoặc mặc bộ trang phục màu xám theo quy định của sở thú.

5. Hổ tấn công khách tham quan

Vào ngày Giáng sinh năm 2007, con hổ cái Tatiana, 4 tuổi, ở vườn thú San Francisco đã xổng chuồng và tấn công người tham quan, làm một người thiệt mạng và làm hai người khác bị thương. Các quan chức của vườn thú ban đầu cho biết bức tường ngăn cách nơi giữ con hổ cao 5,5 m, nhưng sau này phải thú nhận rằng nó chỉ cao 3,8 m. Theo suy đoán, ba người đàn ông bị tấn công đã trêu chọc khiến con hổ tức giận và xổng chuồng.

 

6. Vườn thú bất hợp pháp

Việc tự mở các vườn thú của cá nhân hoặc tổ chức có thể được coi là hợp pháp, nhưng một số trường hợp khác thì ngược lại, bởi nhiều trường hợp tự lập vườn thú riêng để khuếch trương sự giàu có và quyền lực hay có hành vi phạm pháp khác. Tính riêng trong năm 2005, có khoảng 5.500 cá thể động vật bị các băng nhóm buôn bán ma túy tại Mexico bắt giữ và nhiều vườn thú bất hợp pháp. Những loài động vật này được sử dụng với nhiều mục đích tàn bạo như nuôi hổ ăn thịt hay sử dụng động vật để vận chuyển ma túy.

7. Phong trào phản đối vườn thú

Các phong trào phản đối vườn thú do các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của động vật tổ chức, nhằm phản đối việc nuôi nhốt động vật trong vườn thú. Trong khi các nhà chức trách của vườn thú khẳng định việc nuôi động vật trong môi trường này là nhằm bảo tồn nhiều loài quý hiếm, thì những người phản đối cho rằng nếu có ý định bảo tồn, thì nên thả chúng về môi trường sống trong tự nhiên. Theo họ, điều này có thể hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tâm lý của động vật. Họ cũng cho rằng các vườn thú chỉ kinh doanh lợi nhuận dựa trên hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã.

8. Bắt trộm động vật

Mặc dù được nuôi nhốt trong sở thú, nhưng không ít loài động vật vẫn là nạn nhân của nạn săn bắt trộm. Những động vật nhỏ hay những con mới sinh thường bị chú ý vì chúng ít hung dữ hơn những con khác. Những tay bắt trộm thường đánh con vật bị thương hoặc dùng lồng để bắt trộm. Bên cạnh đó, một số trường hợp có ghi nhận các con lớn như hổ hay lạc đà cũng từng bị bắt trộm khỏi sở thú.

9. Động vật giả

Một vườn thú ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, từng thu hút du khách tới tham quan bằng cách trưng bày các động vật giả. Họ trưng bày giống chó lớn Tây Tạng thay cho sư tử châu Phi, đặt hải sâm biển khổng lồ làm giả rắn hay mặc quần áo cho những con chó để làm giả báo hoặc chó sói. Việc làm này đã khiến người tham quan vô cùng tức giận.

10. Biểu diễn động vật

Nhằm thu hút khách tham quan và tăng lợi nhuận, các vườn thú ở Trung Quốc đã tổ chức các buổi biểu diễn, trong đó các con vật sẽ đạp xe đạp, ngồi xe 3 bánh, cưỡi ngựa, ngồi cân bằng trên bóng, đi bộ trên dây thừng. Các con gấu con thậm chí bị buộc vào với nhau để gây làm trò thu hút người xem. Để tổ chức được các buổi biểu diễn, nhân viên của vườn thú áp dụng nhiều hình thức huấn luyện, trong đó có cả phương pháp răn đe, dọa nạt, thậm chí đánh hay chọc bằng móc kim loại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất