Những thủ thuật tâm lý giúp bạn tiết kiệm thành "đại gia"
Xây dựng một kế hoạch tài chính trong tương lai đang trở thành một thói quen sống rất tích cực trong cộng đồng đặc biệt là giới trẻ. Những kế hoạch chi tiêu hợp lý để theo đuổi những sở thích cá nhân, du lịch hay tham vọng về một tương lai tươi sáng... đều bắt nguồn từ hành động tiết kiệm.
Tiết kiệm không chỉ đơn giản là giảm bớt chi tiêu hàng ngày, nó còn là sự cân nhắc tính toán biết khi nào nên tiêu, khi nào nên giữ tiền. Làm được những điều này, bạn sẽ dần hình thành thói quen tiết kiệm, qua đó thay đổi cách nhìn về cuộc sống, gia đình và tương lai của bản thân.
Những thủ thuật tâm lý dưới đây sẽ phần nào giúp bạn chi tiêu hợp lý và luôn cảm thấy mình giàu có.
1. Luôn hướng tới con số tổng quát
Bạn phải trả 2 triệu một tháng cho một hợp đồng điện thoại nhưng thay vì cứ xoáy vào con số 2 triệu bay ra khỏi ví mỗi tháng, hãy nghĩ tới tổng chi phí mà bạn sẽ phải trả trong một năm, 2 năm là bao nhiêu. Bằng cách "nhìn xa" này, bạn có thể cân nhắc xem liệu dịch vụ này có tiêu tốn quá nhiều tiền của bản thân hay không.
Theo một cách nhìn khác, thử tưởng tượng xem bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền trong một năm nếu như bạn lựa chọn sử dụng một dịch vụ ít tốn kém hơn. Giả sử bạn đang phải trả 500.000 đồng/tháng để sử dụng internet.
Nếu đổi sang sử dụng mạng của nhà cung cấp khác chi phí mỗi tháng sẽ còn 400.000 đồng. Ban đầu, chi phí chuyển đổi có thể lớn hơn so với mức tiết kiệm 1- 2 tháng lẻ nhưng tính xa hơn, sau một năm bạn sẽ tiết kiệm được 1,2 triệu và trong 2 năm con số này sẽ là 2,4 triệu. Số tiền này hoàn toàn có thể bù đắp cho chi phí chuyển đổi bạn đã bỏ ra và sẽ còn giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn nữa.
2. Phải biết mặc cả
Có rất nhiều các loại chi phí mà bạn có thể mặc cả được với nhà cung cấp, kể cả những dịch vụ như truyền hình cáp, mạng điện thoại, internet.
Việc duy nhất bạn cần làm là nhấc máy lên, gọi điện và đề đạt mong muốn sẽ chuyển nhà cung cấp khác bởi giá cả hay chất lượng dịch vụ của họ đang ở mức cạnh tranh hơn. Rất có thể nhà cung cấp hiện tại của bạn sẽ phải đề nghị một mức giá thấp hơn để giữ khách.
3. Hình thành tâm lý tiết kiệm theo nhóm
Nghe có vẻ hơi lạ nhưng bạn có thể thỏa hiệp với bạn bè cũng như hàng xóm để tất cả các bên đều cùng có lợi. Ví dụ, bằng cách cùng chia sẻ chi phí cho các nhu yếu phẩm với bạn bè, bạn có thể tiết kiệm được nhiều hơn là khi tự đi mua và chi trả toàn bộ bằng túi tiền của mình.
Lý do là bởi những lô hàng với số lượng lớn sẽ được các tiệm tạp hóa bán với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với đồ bán lẻ.
Việc sống chung nghe có vẻ không được hấp dẫn lắm nhưng nó sẽ giúp bạn trong việc chia sẻ tiền thuê nhà. Còn nếu bạn ưa thích sống riêng, nhưng lại khá thân thiết với hàng xóm của mình, bạn có thể đề nghị sử dụng chung với họ các dịch vụ thuê bao để giảm một nửa, thậm chí là ba, bốn lần chi phí.
4. Sử dụng lại các công thức nấu ăn bạn yêu thích
Luôn chuẩn bị trong tủ lạnh những nguyên liệu dễ chế biến và phù hợp với khẩu vị của bạn. Điều này giúp bạn tránh việc mua quá nhiều thực phẩm không cần thiết và để thừa thức ăn.
Mặc dù rất nhiều người mường tượng ra việc bản thân có thể nấu được những món ăn cầu kì nhưng trên thực tế, phần lớn trong số họ không có nhiều thời gian để có thể chế biến thực đơn phức tạp như vậy.
Do đó, đừng ngại sử dụng lại nhiều lần những công thức nấu ăn ưa thích của mình, dù đơn giản nhưng chúng có thể giúp bạn tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.
5. Học cách tự làm mọi thứ
Hãy đặt mục tiêu học hỏi cách làm những việc vặt trong nhà như thay dầu cho xe máy, sửa chữa những thứ máy móc đơn giản. Youtube sẽ là nguồn thông tin rất hữu ích khi bạn muốn tìm hiểu những thứ mới lạ.
Việc học cách tự làm những thứ tưởng như nhỏ nhặt này sẽ giúp bạn giảm thiểu những chi phí không đáng có và tiết kiệm hiệu quả đến không ngờ.