Những vị khách không mời trên bầu trời

Các nhà khoa học vũ trụ sẽ gia tăng nỗ lực nghiên cứu để đối phó với nguy cơ có thể nảy sinh khi hai tiểu hành tinh với kích cỡ khá lớn sẽ có đường bay "sát sạt" với Trái Đất, trong đó nguy cơ trước mắt là tiểu hành tinh 99942 Apophis.

>>> “Thổi bay” tiểu hành tinh đe dọa trái đất bằng bom hạt nhân

Được đặt tên theo tên của vị thần đại diện cho thế giới xấu xa và hắc ám trong thần thoại Hy Lạp, tiểu hành tinh 99942 Apophis có kích thước khoảng 240 mét - đủ lớn để tạo ra sức công phá vượt xa 25.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima nếu nó va đập vào Trái Đất.

Theo các tính toán ban đầu, tỷ lệ xảy ra một vụ va chạm giữa tiểu hành tinh này với Trái Đất vào năm 2029 là 2,7% - một tỉ lệ cao nhất từng được ghi nhận đối với một tiểu hành tinh.


Những sao chổi "đi lang thang" bên ngoài vũ trụ.

Theo trung tâm thí nghiệm Jet Propulsion (JPL) của NASA, nếu Trái Đất vượt qua được "vận hạn" trên, thì vẫn còn một nguy cơ một vụ va chạm khác sẽ xảy ra vào ngày 13/04/2036, với tỉ lệ là 1/250.000.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang phải tính đến một hiệu ứng có tên Yarkovsky - hiện tượng một phần của tiểu hành tinh bị tan chảy khi nó bay gần Mặt trời và nguội đi lúc nó bay ra xa - có ảnh hưởng tới những tính toán khoa học trong tương lai hay không.

Lance Benner, chuyên viên nghiên cứu của JPL nói: “Chúng tôi hy vọng rằng việc sử dụng những phương thức đo đạc mới về khoảng cách cũng như tốc độ có thể quan sát được của tiểu hành tinh này, và chúng tôi có thể giảm thiểu các tính toán không chính xác về quỹ đạo đi của nó đồng thời tạo ra nhiều thời gian hơn để chúng tôi có thể tính toán các chuyển động trong tương lai”.

Mark Bailey, giám đốc của Đài quan sát Armagh ở Bắc Ailen cho biết: “Đây sẽ là tiểu hành tinh bay gần Trái Đất nhất từng được dự đoán từ trước đến nay. Bởi vì nó sẽ tiến đến rất gần nên ngay cả những người nghiên cứu vũ trụ nghiệp dư cũng có thể quan sát nó khi nó che khuất ánh sáng của các ngôi sao phía sau. Và rất có thể họ còn nhìn thấy bằng mắt thường”.

Năm 2004, Apophis đã từng khiến cho giới nghiên cứu phải nghẹt thở trong lần đầu tiên nó xuất hiện.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất