Những vụ tắc đường dài nhất và tệ nhất trong lịch sử
Theo định nghĩa trên Wikipedia, tắc đường xảy ra khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông hoặc chia làn cần không gian đường xa rộng hơn so với kích thước đường đi. Anh em đi làm về lúc 5 rưỡi 6 giờ chiều hẳn cũng chẳng lạ gì cái cảm giác dòng xe cộ dài miên man nhích từng centimet đường lúc giờ cao điểm, khi lưu lượng xe cộ quá cao, đường xá không tải được. Nhưng có thể khẳng định là, những lần anh em kẹt trong dòng xe cộ ở Việt Nam vẫn chưa là gì so với 10 vụ tắc đường được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử.
Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 8/2010
Hãy tưởng tượng ngồi trong ô tô, mắc kẹt giữa dòng xe cộ dài cả trăm cây số, mất 12 ngày mới hết tắc. Đó chính là những gì xảy ra khi người Trung Quốc cố di chuyển trên con đường cao tốc nối liền Bắc Kinh – Tây Tạng vào tháng 8 năm 2010. Con đường này bình thường chỉ mất 3 ngày là di chuyển theo vận tốc cho phép. Vụ tắc đường này hoàn toàn không xảy ra vì những lý do khách quan như thiên tai hay đóng đường, mà đơn giản là có quá nhiều xe cùng đi vào con đường cao tốc này cùng lúc, đặc biệt là những xe tải chở vật liệu xây dựng về Bắc Kinh, trớ trêu thay những chiếc xe tải chở vật liệu để mở rộng đường xá, giúp tình trạng tắc nghẽn giao thông được cải thiện lại là nguyên nhân gây ra vụ tắc đường 12 ngày ở Trung Quốc.
Bethel, New York, Mỹ, tháng 8/1969
Thực tế thì cũng nên công bằng, vì những ngày 15 đến 18/8/1969 không chỉ được ghi nhận vì dòng xe ùn tắc đổ về Bethel quá dài, mà nó còn đi vào lịch sử vì chính lý do gây ra ùn tắc giao thông: Đại nhạc hội Woodstock huyền thoại. Đoạn đường New York Thruway trở nên kẹt cứng suốt chiều dài hơn 32km. Nhiều người bỏ lại cả ô tô xe máy để đi bộ đến nơi tổ chức nhạc hội huyền thoại hơn 50 năm về trước. Những nghệ sỹ phải được chuyên chở bằng trực thăng để kịp đến điểm biểu diễn. Nhưng giờ nếu nhắc lại Woodstock, rất nhiều anh em sẽ nhớ đến một khoảnh khắc ngắn ngủi vài ngày nhưng đã thay đổi hoàn toàn kỷ nguyên sáng tạo và âm nhạc của loài người.
Chicago, Illinois, Mỹ, tháng 2/2011
Khi mực tuyết rơi đạt kỷ lục hơn 50cm vào ngày 1/2/2011 trong một trận bão tuyết trút xuống Chicago đúng giờ cao điểm buổi tối, xe cộ lưu thông bị kẹt lại 12 tiếng đồng hồ ngoài đường, khi tuyết chạm được đến cả kính chắn gió của những chiếc ô tô, gây ra vài vụ tai nạn giao thông. Đoạn đường tồi tệ nhất trong vụ tắc đường này phải kể đến Lake Shore Drive, đi từ trung tâm Chicago lên mạn phía bắc.
Đông/Tây Đức, tháng 4/1990
Bức tường ngăn cách hai bờ Berlin, và cũng là bức tường ngăn cách phía Đông và phía Tây trong cuộc chiến tranh lạnh sụp đổ, cũng là lúc con người ở hai bên thành phố đổ dồn về những ngả đường chính để thăm hỏi, tìm kiếm họ hàng người thân dịp lễ Tạ Ơn. Ngày 12/4/1990 ghi nhận 18 triệu chiếc xe lưu thông trên những con phố của Berlin, vốn được thiết kế chỉ để phục vụ nửa triệu lượt xe lưu thông hàng ngày.
Interstate 45, Texas, tháng 9/2005
Khi cơn bão Rita ập vào thành phố Houston, cư dân thành phố ở bang Texas này được thông báo di tản ngày 21/9/2005, dẫn tới việc 2,5 triệu người gói ghém đồ đạc, tràn xuống đường cao tốc liên bang Interstate 45, tạo ra dòng xe cộ dài hơn 160 km. Tuy nhiên dù dài hơn tắc đường ở Trung Quốc, nhưng dòng xe cộ này chỉ mất có 48 tiếng đồng hồ để thoát ra khỏi ùn tắc, nhưng vẫn khiến nhiều người mắc kẹt 24 giờ đồng hồ trên con đường nối liền Galveston đến Dallas. Dù tắc đường tồi tệ như vậy, nhưng quyết định di tản vẫn là đúng đắn khi cơn bão có sức hủy diệt nghiêm trọng ấy có thể lấy đi hàng trăm nghìn sinh mạng nếu mọi người không lên xe lái đến nơi an toàn hơn.
Lyon – Paris, Pháp, tháng 2/1980
Kỷ lục dòng xe cộ dài nhất bị ùn tắc có thể thuộc về người Pháp, khi những người đi nghỉ đông trở về nhà chuẩn bị làm việc, cộng thêm thời tiết tồi tệ đã tạo ra dòng xe dài hơn 175 km trên con đường nối liền hai thành phố lớn của Pháp.
Moscow, Nga, tháng 11/2012
Cũng lại là một vụ tắc đường liên quan tới thời tiết xấu khác, khi bão tuyết trút lên đường cao tốc M10 nối liền St. Petersburg với thủ đô Moscow của Nga vào ngày 30/11/2012, khiến dòng xe cộ kẹt lại trong khoảng thời gian 3 ngày trời. Chính phủ Nga đã phải dựng lều để cung cấp lương thực và chỗ nghỉ ngơi cho những tài xế mệt mỏi.
New York City, New York, Mỹ, tháng 9/2001
Những ngày sau vụ khủng bố 11/9, thành phố New York gần như bị phong tỏa hoàn toàn. Cầu đường và hầm chui chỉ dành cho những chiếc xe phục vụ công tác cứu hộ hoặc xe của chính quyền. Giao thông công cộng bị ngừng hoạt động và đường phố không cho bất kỳ ai chạy xe ra đường. Tồi tệ hơn, vận chuyển hàng không cả nước Mỹ bị phong tỏa, khiến hàng nghìn hàng vạn người bị kẹt lại ở nơi họ đi công tác hoặc đi chơi.
Sao Paolo, Brazil, tháng 6/2009
Nhiều người nói rằng kẹt xe ở các nước khác chưa là gì so với Brazil. Những ngày đẹp trời nó sẽ tắc, còn những ngày tồi tệ thì coi như kẹt cứng. Ngày 10/6/2009, những báo cáo cho thấy Sao Paolo đã lập kỷ lục với gần 300 km đường xảy ra tình trạng kẹt xe trên hơn 840 km đường nội thành Sao Paolo. Tờ tạp chí Time ước tính một người phải ngồi im trong xe tối đa 4 giờ đồng hồ mỗi ngày vì tắc đường.
Tokyo, Nhật Bản, tháng 8/1990
Hơn 15 nghìn chiếc xe ở Nhật Bản đã mắc kẹt, tạo thành dòng xe dài hơn 135 km trên con đường cao tốc nối liền quận Hyogo và Shiga vào ngày 12/8/1990. Nguyên nhân là những người đi nghỉ trở về nhà sau kỳ nghỉ hè để tiếp tục công việc, còn rất nhiều người khác thì di chuyển để tránh cơn bão chuẩn bị tràn vào nơi họ sinh sống. “Kỳ nghỉ” ở đây là lễ O-bon, gần giống như tiết Thanh Minh về quê tảo mộ ở Việt Nam mình, khi mọi người về thăm mộ tổ tiên.
Kẹt xe khủng khiếp nhất: Kênh Suez, 8 năm, 3 tháng, 5 ngày
Dù không phải kẹt xe giao thông đường bộ, nhưng sự cố kênh đào Suez của Ai Cập được coi là vụ tắc đường tồi tệ nhất lịch sử con người. 15 con tàu vận tải của Đức, Mỹ, Anh, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Bulgaria, Tiệp Khắc bị kẹt giữa kênh Suez khi Israel quyết định tấn công Ai Cập vào tháng 6/1967. Ai Cập phòng thủ bằng cách rải mìn ở cả hai đầu kênh, lấy những xác tàu làm hàng rào để ngăn không cho phía Israel lợi dụng kênh đào này để tiến công sâu hơn vào lãnh thổ nước họ.
Kết quả là, 15 con tàu kể trên bị kẹt suốt từ năm 1967 đến năm 1973, khi Ai Cập và Israel ký hiệp định đình chiến. Mất thêm 2 năm nữa để phía Ai Cập rà phá hết số mìn ở cả hai đầu kênh Suez, và dọn dẹp những xác tàu mắc kẹt. Thủy thủ đoàn của 15 con tàu được đưa về nhà bằng máy bay, và cứ 6 tháng một lần, 10 người mới được đưa đến những con tàu này để phục vụ công tác bảo trì. Kết cục, sau 8 năm, chỉ còn duy nhất hai tàu chở hàng của Đức, Münsterland và Nordwind có thể di chuyển trở về quê nhà. 15 con tàu ấy được đặt tên là Yellow Fleet, sau khi gió cát ở châu Phi tạo ra lớp phủ vàng trên thân tàu.
Bản thân tranh chấp quân sự giữa Ai Cập và Israel cũng khiến kinh tế thế giới thời điểm ấy lao đao, vì để di chuyển từ châu Âu sang Ấn Độ hay những nơi khác ở châu Á, thay vì đi qua kênh Suez, những con tàu phải đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, với hành trình dài hơn những 8.900 km cả chiều đi và về. Bản thân kênh Suez cũng giúp châu Âu và châu Á có thể giao thương ở cự ly và thời gian hành trình ngắn chưa từng có.
- Cảnh tắc đường cực "kinh khủng" khi 1/3 dân số đổ ra đường ở Trung Quốc
- Không tai nạn, không sửa đường, vì sao vẫn xảy ra kẹt xe?