Những xúc tu chứa nọc độc ám chỉ sự suy tàn của biển cả
Các tàu tuần tra màu xanh chạy dọc khu vực bơi của các bãi biển với những tấm lưới lớn lướt trên bề mặt nước. Cờ màu vàng báo hiệu cảnh giác, cờ màu đỏ cấm bơi vì dòng nước nguy hiểm, và bây giờ có thêm cờ màu xanh cảnh báo một mối nguy hiểm mới: những bầy sứa.
Sứa tại Học viện Khoa học biển Barcelona, Tây Ban Nha. Các nhà khoa học cho biết sứa gần đây xuất hiện ở những địa điểm mà trước đây chúng ít khi lui tới.
Chỉ trong vài giờ đống hồ một vài tuần trước, 300 người tại các bãi biển Bacerlona đã phải chữa trị vì nọc độc sứa, trong đó 11 người được đưa vào bệnh viện.
Từ Tây Ban Nha đến NewYork, Úc, Nhật Bản và Ha-oai, sứa đang ngày càng trở nên đông đúc và phổ biến, chúng có mặt tại những địa điểm mà trước đây chúng hiếm khi lui tới. Những con vật này đang gây nguy hiểm cho trẻ em vô tình tắm biển trong kỳ nghỉ hè, buộc các bãi biển đóng cửa và chăng đầy lưới bắt cá.
Trong khi sự xâm lấn của sứa là mối phiền toái đối với khách du lịch cũng như ngư dân, thì đối với các nhà khoa học chúng chính là lời báo động, tín hiệu về tình trạng xấu đi nghiêm trọng của điều kiện biển trên toàn thế giới.
“Những con sứa gần bờ chính là thông điệp mà biển cả gửi đến cho chúng ta, ‘Hãy nhìn sự đối xứ tệ hại của các người đối với ta’”, tiến sĩ Josep-María Gili, chuyên gia về sứa, cho biết. Ông đã nghiên cứu sứa tại Học viện khoa học biển thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha tại Barcelona trong hơn 20 năm.
Sự bùng nổ số lượng sứa, các nhà khoa học cho biết, phản ánh việc lạm dụng đánh bắt các loài săn mồi tự nhiên một cách trầm trọng, ví dụ như cá ngừ, cá mập và cá kiếm; nhiệt độ nước biển tăng cao xuất phát từ hiện tượng ấm lên toàn cầu; và ô nhiễm làm suy kiệt nồng độ oxy ở những vùng bờ biển nông.
Những vấn đề này được thể hiện rất rõ ràng tại Địa Trung Hải, vùng biển được bao bọc bởi hàng chục quốc gia, đây cũng chính là nguồn kinh doanh và nghỉ mát của những nước này. Nếu không được quan tâm đúng mức, tại Địa Trung Hải hay bất cứ nơi đâu, những vấn đề nêu trên có thể khiến những đàn sứa đang đe dọa vùng bờ biển trở thành viễn cảnh đen tối của biển trong tương lai gần.
Tiến sĩ Gili, người ngưỡng mộ vẻ đẹp của loài sứa hình cầu, cho biết: “Vấn đề của những bãi biển là một vấn đề xã hội. Chúng ta cần giải quyết trở ngại này cho ngành du lịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn, sâu sắc hơn không phải là bãi biển, mà là những gì đang diễn ra trong đại dương”.
Sứa, họ hàng của cỏ chân ngỗng và san hô hầu như vô hại, thực tế giống như con gián của vùng nước mở, kẻ sống sót chủ yếu của đại dương trong những môi trường hư hại. Và đó chính xác là những gì chúng đang làm.
Trong một vài năm trở lại đây, đã có một số bãi biển đóng cửa vì những đàn sứa tại Côte d’Azur, Pháp; Great Barrier Reef, Úc; bãi biển Waikiki và Virgina, Hoa Kỳ.
Riêng tại Úc, hơn 30.000 người phải chữa trị vì nọc độc sứa trong năm ngoái, con số này gấp đôi năm 2005. Loài sứa Irukandji hiếm nhưng hết sức nguy hiểm đang mở rộng lãnh thổ ở vùng nước ấm của Úc, các nhà khoa học biển cho biết.
|
Trong khi không có bất cứ dữ liệu đáng tin cậy nào về loài sứa tồn tại, số lượng báo cáo ngày càng tăng từ khắp nơi trên thế giới đã thuyết phục các nhà khoa học rằng xu hướng này là có thực, nghiêm trọng và liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên họ cảnh báo rằng những đàn sứa tại một địa điểm nhất định trải qua những biến đổi từ năm này qua năm khác.
“Những áp lực do con người tạo ra, bao gồm hiện tượng ấm lên toàn cầu và lạm dụng đánh bắt, đang khuyến khích loài sứa xuất hiện với số lượng lớn tại các địa điểm du lịch và các ngư trường năng suất cao”, theo Quỹ khoa học quốc gia, tổ chức đưa ra báo cáo về hiện tượng này và lên danh sách những khu vực gặp rắc rối: Úc, Gulf thuộc Mexico, Hawaii, Biển Đen, Namibia, Anh Quốc, Địa Trung Hải, vùng biển Nhật Bản và cửa sông Yangtze.
Tại Barcelona, một trong những địa điểm du lịch nổi bật nhất của Tây ban Nha, chính quyền thành phố cùng Cơ quan nước sạch Catalan đã bắt đầu phản kích. Họ cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho việc tắm biển của du khách.
Mỗi buổi sáng, với sự giúp đỡ của tiến sĩ Gili và các đồng nghiệp, tàu thuyền được huy động để kiểm soát những đàn sứa ngoài khơi, gió và các dòng nước để xem xét liệu bờ biển có bị đe dọa và việc đóng cửa có cần thiết hay không. Họ cũng kiểm tra việc thu bắt sứa ở những vùng nước gần bờ biển có cần thiết hay không. Xavier Durna thuộc cơ quan nước sạch cho biết gần 100 tàu luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với các tình huống khẩn cập. Điện thoại cầm tay của tiến sĩ Gili liên tục đổ chuông cho thấy vai trò chỉ đạo và kiểm soát chiếc dịch tại Tây Ban Nha. Những cuộc gọi đến từ khắp nơi.
Chính quyền tại Santander và Basque lo lắng về sự xuất hiện thường xuyên của những con sứa có nọc độc tại bờ biển Đại Tây Dương, khu vực mà trước đây loài vật nước ấm có thể gây tử vong này ít khi lui tới.
Xa hơn về phía Nam, một tàu đánh cá từ vùng Murcia gọi đến để báo cáo về một bầy Pelagia noctiluca – loài sứa màu tía lấp lánh phát ra chất độc khó chịu – dài hơn một dặm. Một đầu bếp, có lẽ cố gắng tận dụng những gì có thể trong đại dương đang suy tàn, muốn biết loài vật địa phương này có an toàn để ăn khi đã được nấu chin hay không. Tiến sĩ Gili cũng không dám chắc, vì còn rất nhiều điều chưa biết về loài sứa.
Trong những thập kỷ trước, vấn đề về sứa chỉ xuất hiện một vài năm một lần, và kéo dài trong một vài ngày; hiện tại sự đe dọa của sứa là vấn đề nhức nhối hàng ngày đối với chính quyền địa phương và thường xuyên là tâm điểm của bản tin buổi tối. Tiến sĩ Gili cho biết: “Trong vài năm trở lại đay, chức năng biển đã thay đổi hoàn toàn – nhiệt độ đã cao lên một chút”.
Mặc dù là nhân vật cho những phim kinh dị loại B, sứa không phải là loài vật thích gây hấn. Chúng trôi theo những dòng nước. Khi đụng vào vật gì đó ấm – ví dụ như cơ thể người – chúng tự động tiết nọc độc từ vòi chứa độc trên mình, xúc tu hoặc những tua như sợi chỉ có thể dài đến vài Iat.
Một số, ví dụ như loài Portugese man-of-war hoặc sứa hộp khổng lồ, có thể gây tử vong. Nọc độc của Pelagia noctiluca, thường thấy tại Địa Trung Hải, gây đau buốt và tạo ra vết thương tồn tại trong vài tuần, vài tháng và thậm chí vài năm, phụ thuộc vào người bị nhiễm độc và diện tích tiếp xúc.
Tại Địa Trung Hải, lạm dụng đánh bắt cả loài cá lớn và nhỏ đã loại bỏ bớt những kẻ cạnh tranh thức ăn, cũng như kẻ săn mồi nguy hiểm đối với sứa. Không giống như châu Á, nơi sứa cũng là một món ăn, tại đây chúng không hề có giá trị kinh tế, thương mại.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến biển ấm hơn và khí hậu khô hơn đã mang lại lợi thế cho sứa, vì hầu hết các loại sứa sinh đẻ tốt hơn và nhanh hơn trong nước ấm, theo tiến sĩ Jennifer Purcell, chuyên gia về sứa tại Trung tâm biển mũi Shannon thuộc đại học Tây Washington.
Sự ấm lên toàn cầu cũng đồng thời làm giảm lượng mưa ở những vùng khí hậu ôn hòa, cho phép sứa tiếp cận các bờ biển dễ dàng hơn. Nước mưa đổ ra từ đất liên thường làm giảm độ mặn của nước tại bờ biển “tạo ra rào cản tự nhiên ngăn cản những bầy sứa đến gần bờ”, tiến sĩ Gili nói.
Thêm vào đó, ô nhiễm làm giảm nồng độ ôxy và tầm nhìn trong nước biển. Trong khi một số loài cá khác tránh xa hoặc chết trong nước biển với nồng độ ôxy thấp, thì sứa không hề gặp khó khăn gì. Và hầu hết các loài cá phải có tầm nhìn nhất định để kiếm thức ăn, trong khi sứa lọc thực ăn một cách thụ động từ nước biển và vì vậy có thể kiếm thức ăn trong bóng tối.
Những người dân Barcelona đành phải cam chịu chung sống với người hàng xóm mới.
Tháng trước, Mirela Gómez, 8 tuổi, chạy từ dưới nước lên với một vết chích của sứa khiến chân cô bé đột nhiên ngứa và đau nhức. Ông bà cô bé đưa ngay đứa cháu tới lán Chữ Thập Đỏ gần đó. “Cháu sợ phải xuống nước một lần nữa”, cô bé cho biết, giơ ra một vết lằn đỏ tấy trên cẳng chân.
Francisco Antonio Padrós, ngư dân 77 tuổi, nguyền rủa một cách giận dữ khi ông kéo mẻ lưới một buổi sáng cuối tuần trước, gỡ hàng tá những con sứa bám vào lưới và vứt chúng xuống vũng tàu. Nhặt nhạnh vài con tôm, ông cho biết những mẻ lưới của ông thường “chứa nhiều sứa hơn là cá”
Khi kết thúc công việc, hai bàn tay chai sạn của ông đỏ ửng và phình to gấp đôi bình thường. Ông nói: “Hiện tại tôi không biết mình có tay hay không – chúng nhức nhối, tê dại và ngứa ngáy”.
Tiến sĩ Santiago Nogué, trưởng khoa chất độc tại bệnh viện lớn nhất tại đây cho biết mặc dù 90% vết thương do nọc độc lành trong một hoặc hai tuần, nhiều người vẫn bị nhức và ngứa ngáy trong nhiều tháng. Mỗi năm, ông gặp khoảng 20 bệnh nhân mà triêu chứng không hề phản ứng với bất cứ phương pháp chứa trị nào, đôi khi cần phẫu thuật để loại bỏ những vùng bị nhiễm độc.
Tuy nhiên, biển từ lâu luôn gắn liền với cuộc sống tại Bacerlona, và điều này khó có thể thay đổi. Gần đây khi các bãi biển đóng cửa, trẻ em trên đê chắn sóng thu nhặt hàng xô sứa. Ngày tiếp theo, Antonio López, một thợ lặn, nổi lên từ mặt nước. Ông nói: “Mỗi năm, số lượng lại tăng thêm – chúng tôi thấy hàng trăm con ngoài khơi hôm nay. Bạn chỉ còn cách học làm cách nào đối phó với nọc độc của chúng”.