Nơi bom hạt nhân nổ nhiều nhất hành tinh

Gần một nghìn vụ thử hạt nhân đã được tiến hành tại cơ sở ở Nevada, Mỹ, để lại nỗi ám ảnh cho các binh sĩ chứng kiến ở cự ly gần và người dân ở khu vực lân cận.

Nơi thử bom hạt nhân nhiều nhất hành tinh

Theo Guardian, Mỹ từng tiến hành thử hạt nhân tại Thái Bình Dương, ở khu vực có cái tên lôi cuốn là đảo san hô vòng Bikini, cách đại lục Mỹ khoảng 7.400km và cách đảo Hawaii hơn 3.800 km. Tuy nhiên, khi các thử nghiệm này trở nên quá tốn kém, chính quyền Washington năm 1950 bắt đầu tìm kiếm một địa điểm an toàn để thử nghiệm hạt nhân ngay trên đất Mỹ.

Và một vùng sa mạc có diện tích 3.500km2, thuộc hạt Nye, cách Las Vegas khoảng 105km về phía tây bắc, được chọn trở thành Cơ sở Thử nghiệm Nevada (Nevada Test Site), nay có tên là Cơ sở An ninh Quốc gia Nevada.


Cơ sở Thử nghiệm Nevada. (Ảnh: Wiki).

Cơ sở được thiết lập năm 1951, vài năm sau khi Thế chiến II kết thúc, xuất phát từ lo ngại rằng Liên Xô sẽ tấn công hạt nhân. Vào thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ cần một nơi thuận tiện để thiết kế và xây dựng kho vũ khí hạt nhân.

Kể từ năm 1951, và trong suốt 4 thập kỷ sau đó, chính phủ Mỹ đã tiến hành gần 1.000 vụ thử hạt nhân tại đây, khiến nơi này được gán biệt danh "vùng đất bị ném bom nhiều nhất thế giới". Đây chính là nơi Mỹ mài dũa, tăng sức hủy diệt cho những vũ khí hạt nhân thô sơ mà họ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Khoảng 100 thử nghiệm được thực hiện trên mặt đất, tạo ra những đám mây hình nấm đặc trưng, đã trở thành biểu tượng của những vụ nổ bom hạt nhân.

Đến nay, chính quyền Mỹ vẫn tiến hành các công việc bí mật tại nơi này. Chỉ một nhóm nhỏ du khách, được kiểm tra chặt chẽ, mới được tham quan nơi này. Họ không được phép quay phim, chụp ảnh hay nhặt đá ở đây về làm kỷ niệm.

Mỗi đợt thử nghiệm hạt nhân tại đây đều được lập kế hoạch kỹ lưỡng. Các nhà khoa học và kỹ sư muốn tìm hiểu và xác định rõ đặc điểm hoạt động của bom theo những thiết kế khác nhau, cho mỗi loại vũ khí quân đội yêu cầu.

Trong một cuốn sách nhỏ, phát hành năm 1955, về ảnh hưởng của thử nghiệm bom nguyên tử tại Cơ sở Thử nghiệm Nevada, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã trấn an các cư dân quanh đó rằng mức phóng xạ tại đây "chỉ cao hơn chút ít mức thông thường mà các bạn gặp phải hàng ngày, tại bất kỳ nơi cư trú nào".

Chính quyền Mỹ đã rất lo lắng về nguy cơ hứng chịu một vụ tấn công hạt nhân trực tiếp. Và để giúp người dân sẵn sàng ứng phó, một số cuộc thử nghiệm được tiến hành để xem những vụ nổ cực lớn sẽ ảnh hưởng ra sao tới con người và nhà cửa trong phạm vi nổ.

Thị trấn Sống sót

Năm 1955, trong khuôn khổ chiến dịch Teapot, Cơ quan Phòng thủ Dân sự Liên bang đã thực hiện vụ thử nghiệm Apple-2, được thiết kế để kiểm tra xem những tòa nhà khác nhau, tại các khoảng cách khác nhau, sẽ ra sao trong một vụ nổ hạt nhân. Nhiều nhà và trạm điện thế đã được dựng lên gần tâm vụ nổ. Khu vực này được đặt biệt danh Survival Town (Thị trấn Sống sót).

Ma-nơ-canh mô phỏng các gia đình được đưa vào trong những ngôi nhà. Các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cùng nhiều loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói cũng được đưa tới.

Vào thời điểm đó, Cơ quan Phòng thủ Dân sự Liên bang cho sản xuất những đoạn phim giáo dục, nhằm hướng dẫn người Mỹ về những biện pháp cần thực hiện tại nhà, trong trường hợp bị tấn công nguyên tử.


Vị trí của cơ sở thử nghiệm hạt nhân. (Đồ họa: The Guardian).

Cự ly gần

Giai đoạn 1951 - 1957, quân đội Mỹ thực hiện hàng loạt cuộc diễn tập với tên gọi Desert Rock, nhằm huấn luyện binh sĩ và tăng cường hiểu biết về các chiến dịch quân sự trên chiến trường hạt nhân. Các bài huấn luyện bao gồm những đợt bay chiến thuật và thử nghiệm để xác định sức tàn phá của vũ khí hạt nhân.

Binh sĩ Mỹ được chứng kiến các vụ thử ở cự ly gần. Các sĩ quan muốn biết binh lính phản ứng ra sao khi xảy ra những vụ nổ cực lớn trên chiến trường. Họ phải nấp trong những giao thông hào cách nơi xảy ra vụ nổ vài km.

"Tôi cảm thấy như thế giới đến ngày tận thế", Lamond, Davis, cựu binh từng chứng kiến vụ thử nghiệm ở cự ly gần kể lại. "Tôi có thể nhìn thấy đám mây hình nấm ngay trên đầu. Tôi vẫn nhớ cả hai tai và hai lỗ mũi đều chảy máu. Tất cả mọi người đều khiếp đảm. Không phải chỉ mỗi tôi, tất cả đều cảm thấy như vậy".

"Sau vụ thử nghiệm, sẽ có người dùng chổi quét bụi trên người chúng tôi, vì người chúng tôi phủ đầy chất phóng xạ. Họ biết những chất đó độc hại nên muốn giảm hậu quả đến mức thấp nhất có thể", ông nói thêm.

"Xuôi chiều gió"

Nhưng không chỉ có các nhà khoa học và quân đội mới quan tâm tới những đám mây hình nấm trên sa mạc Nevada. Năm 1952, khi máy quay phim được phép vào cơ sở này để tường thuật trực tiếp một vụ nổ, các cuộc thử hạt nhân đã tạo "cơn sốt" trong công chúng.

Las Vegas, cách đó khoảng 100km, trở thành điểm đến của nhiều du khách từ khắp nước Mỹ. Họ tới đây để xem những vụ nổ hạt nhân trước bình minh từ tầng thượng khách sạn hoặc trên ô tô. Nhiều hãng còn tranh thủ cơ hội này để tạo ra những quảng cáo ăn theo.


Bức ảnh nổi tiếng trên tạp chí Life ghi lại một đám mây nấm trên bầu trời Las Vegas. (Ảnh: Life).

Tuy vậy, không phải ai cũng hứng thú với các vụ nổ hạt nhân. Tại những thành phố gần đó như St. George, bang Utah, nằm xuôi theo chiều gió từ Cơ sở Thử nghiệm Nevada, người dân địa phương thấy chương trình hạt nhân đem đến nhiều rắc rối.

Sau nhiều thập kỷ đấu tranh của nhóm được gọi là "những người ở xuôi chiều gió", quốc hội Mỹ năm 1990 thông qua đạo luật Bồi thường Phơi nhiễm Phóng xạ, để chi trả cho những người khiếu nại rằng họ bị ảnh hưởng bởi phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân tại Nevada.

Claudia Peterson, một người dân ở St. George, nói rằng: "khi còn nhỏ, vào mùa cừu sinh sản mạnh, tôi từng nghĩ rằng việc hàng đống cừu hai đầu, hoặc không có chân, hoặc cừu non chết là điều bình thường".

"Nhiều người bắt đầu bị ốm và bệnh tật. Tôi có một vài bạn cùng lớp qua đời vì mắc bệnh máu trắng và ung thư", bà nói thêm. Claudia tin rằng phóng xạ đã ám ảnh gia đình bà nhiều năm sau đó. Con gái ba tuổi và chị của bà đều mất vì ung thư.

Đến nay, hai tỷ USD đã được chi để bồi thường cho 32.000 người khiếu nại. Số tiền bồi thường chỉ được chi cho một số ít với một loạt điều kiện nhất định.

Các vụ thử hạt nhân trên mặt đất sau đó bị dừng. Hiện Mỹ không còn tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại địa điểm này, tuy nhiên, vẫn còn những vụ thử nghiệm khác để kiểm tra khả năng của kho vũ khí hạt nhân cũ.

Với nhiều người Mỹ, Cơ sở Thử nghiệm Nevada là một nơi mang tầm quan trọng lịch sử có một không hai đối với an ninh quốc gia. Họ coi đó là chiến trường mà Mỹ đã chiến đấu và chiến thắng Chiến tranh Lạnh.

"Rất nhiều sự tự do mà chúng ta được hưởng ngày nay là nhờ chúng ta là đất nước có vũ khí hạt nhân", Chuck Costa, cựu binh từng làm việc tại cơ sở nói.

Các thiết bị hạt nhân được thử nghiệm tại đây đã vĩnh viễn thay đổi loài người. Những vũ khí hạt nhân hiện đại nhất, ra đời từ sa mạc này, có sức công phá gấp hàng nghìn lần thiết bị được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Sự nguy hiểm của các công nghệ được thử nghiệm tại Nevada là điều rõ ràng với tất cả các bên. Nhưng những người từng làm việc tại đây cảm thấy họ đã tham gia vào một nhiệm vụ không thể tránh khỏi, trước mối đe dọa từ Liên Xô. Di sản để lại của nơi này sẽ luôn là điều gây tranh cãi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất