Nỗi buồn cũng tốt cho công việc

Theo nghiên cứu của ĐH New York, sự đau buồn giúp tăng mức độ tập trung và tránh phạm lỗi lầm trong công việc.

Nỗi u sầu và buồn khổ được cho là có thể giúp cho con người ta tăng khả năng đối phó với những thách thức của cuộc sống, sự kiên cường bền bỉ và giúp con người đạt đến những thành công to lớn. 


Các nhà nghiên cứu chỉ ra, xã hội hiện đại đặt hạnh phúc cá nhân lên trên tất cả nên người ta thường ít chấp nhận việc chìm đắm trong tuyệt vọng mỗi khi bị mất việc, đổ vỡ quan hệ hoặc mất người thân. Người ta ước tính cứ 4 người thì có 1 người bị mắc chứng trầm cảm trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, và 5% dân số thế giới hiện đang mắc chứng bệnh tinh thần này.

Ngày càng có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần lo ngại xu hướng dùng thuốc chống trầm cảm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa của con người. Vì theo họ, về lâu về dài chứng bệnh trầm cảm có lợi cho nòi giống.

Theo nhà tâm lý học, giáo sư Jerome Wakefield của ĐH New York, xét trên quan điểm sinh học, một đặc điểm tâm lý gắn bó với loài người lâu như thế là nó có lợi về một mặt nào đó. "Nếu không thì chúng ta đã chẳng phải mang theo nó làm gì. Chúng ta đang mang một trong những bộ phận cấu thành nên chính chúng ta về mặt sinh học", giáo sư Wakefield nói.

Ông tin rằng nỗi đau buồn giúp cho con người rút được ra những bài học từ chính sai lầm của mình. “Tôi nghĩ một trong những chức năng của các cảm xúc tiêu cực là để làm chúng ta dừng việc sinh hoạt bình thường và tập trung vào một việc gì đó khác trong một thời gian”, giáo sư Wakefield nói.

Một bài báo New Scientist khẳng định, nỗi buồn cũng có thể đóng vai trò tác nhân cản trở về mặt tâm lý ngăn chúng ta phạm phải lỗi lầm. Nguy cơ lâm vào sự đau khổ có thể sẽ ngăn chúng ta khỏi sự bốc đồng hay phóng túng, đặc biệt là trong các mối quan hệ hay với những điều khác mà chúng ta trân trọng.

Tiến sĩ Paul Keedwell, nhà tâm lý học ở ĐH Cardiff nhận định, thậm chí nỗi trầm cảm được cho bộc phát cũng có thể giúp chúng ta tránh được nguy cơ căng thẳng tâm lý lâu dài. Ông nói rằng nếu như không dành thời gian suy ngẫm và nhấm nháp nỗi buồn, “người ta có thể lâm vào trong trạng thái stress kinh niên cho đến khi kiệt sức hoặc chết”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất