Nơi duy nhất trên thế giới "quét sạch" loài chuột

Trừ châu Nam Cực vốn quá lạnh không thể cho chuột sinh sôi, gần như tất cả những khu vực còn lại trên thế giới đều bị chuột "chiếm đóng". Duy chỉ có một nơi đã thành công trong việc đẩy lùi sự "xâm lăng" của chuột.

Đó là tỉnh Alberta (Canada), rộng 661.000km2, gần gấp đôi diện tích Việt Nam và nhỉnh hơn diện tích nước Pháp. Trên một vùng rộng lớn như vậy, thành công trong chiến dịch diệt chuột của Alberta rất đáng ghi nhận.


Nhiều người Alberta thậm chí chưa từng thấy chuột ngoài đời thực - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Theo BBC, những năm 1950, loài chuột cống Na Uy bắt đầu xâm nhập vào Canada từ phương Nam. Loài này vốn có sức sống mạnh mẽ hàng đầu, ăn tạp và sinh sôi nảy nở nhanh chóng, mỗi lứa đẻ rất nhiều con.

Nhiều chuyên gia ghi nhận răng của loài chuột này có thể nhai gặm cả kim loại, ngoài ra chúng có tài bơi lội giỏi.

Phil Merrill - người đứng đầu chương trình kiểm soát chuột tại tỉnh Alberta của Canada - chia sẻ: khi bắt đầu có tin chuột cống xâm nhập vào khu vực, chính quyền tỉnh ngay lập tức quyết định sẽ phải đẩy lùi vì không chấp nhận sống chung với chuột cống.


Alberta có diện tích nhỉnh hơn nước Pháp - (Ảnh: GUARDIAN).

Trước tiên, chính quyền xác định hướng đi của "quân giặc".

Về địa hình, phía tây của Alberta giáp với dãy núi Rocky, phía Nam giáp tiểu bang Monata (Mỹ) hiểm trở và thưa dân, nên không thể là đường du nhập chuột. Tương tự, miền bắc Alberta gần Bắc Cực lạnh lẽo cũng không phải là hướng "xâm lược" của chuột.

Do đó, phía đông là hướng đi chính của chuột vào Alberta. Chính quyền lên kế hoạch sẽ chặn đường chúng ở khu biên giới phía đông, đồng thời thực hiện các chiến dịch truy quét từ trong ra ngoài nhằm có hiệu quả triệt để.

Các đội kiểm soát động vật gây hại nhanh chóng được thành lập, thường xuyên "tuần tra" những nơi nghi ngờ sẽ có ổ chuột như trang trại, bãi rác, các khu dân cư.

Thuốc diệt chuột cũng được các cơ quan chức năng phân bổ nhiều nơi, trong đó tập trung các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao từ chuột.


Poster kêu gọi diệt chuột những năm 1950 ở Alberta - (Ảnh chụp màn hình).

Việc tuyên truyền và giáo dục cũng được chú trọng. Chính quyền truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân hiểu rằng thấy chuột là phải loại bỏ ngay. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thường tập huấn cho nhà nông, học sinh, sinh viên về sự khác biệt giữa chuột cống và những loài gặm nhấm bản địa.

Bằng nỗ lực qua nhiều thời kỳ, tín hiệu tích cực đã đến. Theo The Guardian, những năm 1950 có khoảng 500 địa điểm trên toàn Alberta bị chuột cống phá hoại, đến năm 1970 giảm xuống còn 50, năm 1990 còn từ 10-20, và đến năm 2003 xuống đến mức gần như bằng 0.

Từ đó đến nay, kiểm soát chuột vẫn được duy trì thường xuyên. Các đội dò tìm vẫn được phân bổ tuần tra khắp tỉnh nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ chuột "xâm lược".

Thậm chí đến năm 2015, một đường dây nóng cho người dân thông báo về chuột cũng đã được lập ra.

Theo Merrill, tinh thần chung tay của người dân rất tốt. Dù có đến 95% lượt gọi báo tin phát hiện chuột là không chính xác, tuy nhiên đây cũng là tin vui khi chuột gần như rất hiếm ở Alberta.


Merrill vẫn đang tiếp tục công việc "săn lùng" chuột của mình - (Ảnh: GUARDIAN).

"Có lần nghe tin báo, chúng tôi phải lùng sục một bãi rác 6 ngày liền vì có tin một vài con chuột đang sinh sống ở đây. Chúng tôi rình rập ban đêm mới có thể bắt được chúng" - Merrill nói.

Về kinh phí, hiện tại các chương trình kiểm soát chuột cống tốn chưa đến 380.000 USD mỗi năm, trong đó thường được dùng để trả lương cho các nhân viên trong những đội phòng chống và để mua thuốc chuột.

"Người dân hiện vẫn thường chung tay giết chuột và xử lý chuột chết. Những thông tin về chuột cũng liên tục được cập nhật cho các nhóm nghiên cứu" - Merrill nói.

Merrill cho biết thêm, hiện tại những thông tin nghi ngờ về chuột vẫn thường xuyên được người dân cập nhật, trong khi nhóm vẫn liên tục lùng sục 3.000 trang trại dọc biên giới phía đông để ngăn chặn từ xa.

"Tôi từng nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ đẩy lùi được chuột nhưng kết quả rất đáng ngạc nhiên, hiện tại mỗi năm chỉ ghi nhận từ 1 đến 2 lượt chuột tràn san biên giới đến Alberta" - Merrill chia sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất