Nơi ở cho người đã khuất giá hơn 1,2 tỷ đồng: Không gian chỉ bằng hộp đựng giày, đắt hơn cả nhà cho người sống
Tính giá khởi điểm 53.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng) cho một không gian tương đương chiếc hộp đựng giày, tòa nhà Shan Sum 12 tầng ở Hồng Kông (Trung Quốc) được cho là quá đắt đỏ để ở.
Nơi đây chuyên phục vụ phân khúc khách hàng giàu có - những người đang tìm kiếm nơi an nghỉ "hạng sang" khi bước sang "thế giới bên kia".
Theo CNN, Shan Sum là một nhà thờ cổ do kiến trúc sư người Đức thiết kế, được dùng để lưu trữ tro cốt cho 23.000 người. Mức giá cho không gian vừa đủ 2 bình đựng tro cốt có thể lên tới 76.000 USD; trong khi 8 bình (tức một gia đình nhiều thế hệ) là 430.000 USD (hơn 10 tỷ đồng).
Như vậy, một "chỗ ở" trong Shan Sum thậm chí còn đắt hơn nhà cho người sống. Để so sánh, vào tháng 3, một dinh thự trong khu The Peak hạng sang được đấu giá 32.000 USD/0,09m2.
Giá khởi điểm cho một chỗ lưu trữ hài cốt ở tòa nhà này lên tới 53.000 USD.
Dẫu vậy, Shan Sum vẫn chưa phải nơi ở đắt đỏ nhất dành cho những người đã khuất. Theo Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông, khu phức hợp tựa một ngôi đền ở vùng ngoại ô phía bắc Fanling hiện đang có giá 660.000 USD/bình tro cốt. Mức giá này chưa bao gồm phí quản lý (ít nhất 25.000 USD) để bảo trì.
Khoản đầu tư này có vẻ không quá đắt nếu xét đến cuộc sống dài ngày ở thế giới bên kia, song những nơi như Shan Sum chỉ cho phép lưu trữ tro cốt trong thời gian cụ thể, theo đúng giấy phép tư nhân. Loại giấy phép có hiệu lực trong 10 năm và phải mất rất lâu mới có thể xin được.
Theo kiến trúc sư Ulrich Kirchhoff, Shan Sum có một khu nghỉ dành cho các gia đình đến thăm người thân đã khuất. Khoảng 1/5 diện tích của tòa nhà là không gian mở, được thiết kế theo cấu trúc lượn sóng lấy cảm hứng từ các nghĩa địa truyền thống của Trung Quốc. Máy hút ẩm và hệ thống điều hòa không khí được lắp đặt đầy đủ. Khách hàng thậm chí có thể đặt trước đồ cúng qua ứng dụng.
Được biết, Shan Sum là đứa con tinh thần của Margaret Zee - nữ doanh nhân 70 tuổi nổi tiếng giàu có nhờ kinh doanh trang sức, bất động sản và hiện đang điều hành một quỹ từ thiện mang tên bà. Zee cho biết tôn trọng người đã khuất chính là một phần không thể thiếu trong văn hoá Trung Quốc.
Tòa nhà Shan Sum.
“Đây không chỉ là nơi tiễn đưa những người thân yêu bước sang thế giới bên kia. Đây còn là nơi để những người ở lại tìm thấy cảm giác bình yên”, bà Zee nói, đồng thời cho biết việc phải vật lộn tìm nơi chôn cất người chồng đã khuất hồi năm 2007 đã thôi thúc bà hành động.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), chênh lệch cung cầu đã đẩy giá bất động sản lên mức cao kỷ lục. Về cơ bản, trong một khu vực với hơn 7 triệu người sinh sống, cạnh tranh về không gian đang nóng lên – với cả người sống và người đã mất. Địa hình đồi núi khiến phần lớn diện tích không phù hợp để phát triển thành nhà ở.
Thiếu đất, các nhà phát triển bất động sản ưa chuộng những tòa nhà cao tầng kiểu như Shan Sum, sau đó chia lô bên trong càng nhiều càng tốt. Diện tích nhà ở trung bình theo đó chỉ rơi vào khoảng 39m2, theo điều tra dân số năm 2021.
Tình trạng dân số già đi càng đẩy nhanh nhu cầu đối với những nơi lưu giữ tro cốt. Hiện 20% người dân Hồng Kông đều đã trên 65 tuổi, theo dữ liệu điều tra dân số. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 30% vào năm 2069.
Hơn 90% người dân lựa chọn hình thức hỏa táng, trong khi không gian lưu trữ hài cốt dần cạn kiệt. Hầu hết đều không muốn rải tro xuống sông bởi người Trung Quốc có tư tưởng lưu trữ vật chất để bày tỏ lòng thành kính và nhớ thương. Hiện Hồng Kông đang nhanh chóng tăng số lượng nghĩa trang tro cốt để theo kịp nhu cầu.
- Những bí mật bên trong lò hoá thân
- Bí ẩn đằng sau các lò hỏa thiêu người chết ít ai biết
- Dịch vụ biến tro cốt thành kim cương: Giải pháp mai táng “xanh”