Nỗi oan của vi khuẩn gây các bệnh dạ dày
Helicobacter pylori "nổi tiếng" vì khả năng gây viêm, loét và ung thư trong hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên, con người sẽ mắc sai lầm nếu tìm cách đẩy loài vi khuẩn này tới bờ diệt vong.
Trên thực tế, Helicobacter pylori (H. pylori) đang đối mặt với tình trạng tuyệt chủng ở nhiều nơi trên thế giới. Nó biến mất nhanh chóng tại các nước giàu, nơi mà điều kiện vệ sinh ngày càng được cải thiện và những loại thuốc kháng sinh mới liên tục xuất hiện. Sự biến mất của một loài, dù là động vật hay thực vật, đều mang tới những hậu quả không mong đợi.
Theo Martin, sẽ là sai lầm nếu chúng ta chỉ nghĩ H. pylori là mầm bệnh. Tốt hơn chúng ta nên nghĩ xoắn khuẩn này là một sinh vật cộng sinh, nghĩa là vừa có hại vừa có lợi. Nhiều bằng chứng cho thấy họ hàng của H. pylori đã sống trong dạ dày của động vật có vú từ khoảng 150 triệu năm trước. H. pylori "kết bạn" với loài người được ít nhất 60 nghìn năm, nhưng mãi tới khoảng 50 năm trước nó mới tấn công 70-80% dân số thế giới. Giờ đây, sự ra đời của vô số thuốc kháng sinh khiến số lượng của H. pylori giảm xuống nhanh chóng. Martin khẳng định tình trạng đó sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.
H. pylori giúp điều chỉnh lượng axit sao cho có lợi cho cả nó và vật chủ. Nếu dạ dày co bóp quá mạnh, lượng axit sẽ vượt mức cần thiết và khi đó vi khuẩn tạo ra một chất có tên "cag" để trung hòa axit. Tuy nhiên, cag cũng có một tác dụng phụ: nó "ăn mòn" màng nhầy bảo vệ bao tử, tạo điều kiện cho axit tấn công trực tiếp tế bào dạ dày và gây nên viêm, loét, ung thư.
Thuốc kháng sinh được coi là thứ vũ khí hiệu quả nhất để tiêu diệt H. pylori. Điều này đúng đối với những trường hợp bị ung thư thực quản, nhưng khi H. pylori biến mất thì "cag" cũng đi theo, khiến nồng độ axit trong dạ dày tăng liên tục. Axit có xu hướng trào ngược lên thực quản, gây nên nhiều tác động khó lường. Trên thực tế, sự suy giảm của H. pylori khiến số người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản tăng. Qua thời gian, những tổn hại mà axit gây ra đối với thành dạ dày có thể dẫn tới ung thư.
Mối liên hệ giữa H. pylori và bệnh suyễn lại tuân theo một cơ chế khác. Martin cho biết trẻ em bị nhiễm H. pylori trong độ tuổi 3-13 giảm được 60% nguy cơ mắc suyễn so với những em không nhiễm. Ông cho rằng, H. pylori khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Mối quan hệ giữa H. pylori và viêm loét, ung thư dạ dày cũng khá phức tạp. Sở hữu xoắn khuẩn này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị viêm loét dạ dày. Trước kia, phần lớn cư dân trên Trái Đất nhiễm H. pylori từ tuổi ấu thơ cho tới khi chết (do điều kiện vệ sinh kém).
H. pylori cũng tác động tới hai hoóc môn kiểm soát cảm giác thèm ăn: ghrelin (gây cảm giác đói) và leptin (gây cảm giác no). Những người không có H. pylori luôn sản xuất nhiều ghrelin hơn, khiến họ luôn cảm thấy đói. Tiến sĩ Martin cho rằng, sự biến mất của H. pylori là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng béo phì tràn lan ở các nước giàu.
Do đó, thay vì tiêu diệt H. pylori, có lẽ chúng ta nên tìm cách kiểm soát xoắn khuẩn này theo một cách hợp lý hơn. Về mặt di truyền học, một số người dễ mắc ung thư dạ dày hơn những người khác. Đối với những đối tượng đó, tiêu diệt có thể là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, nếu ai đó dễ mắc suyễn hay béo phì, biện pháp ấy lại là một sai lầm.