Nỗi sợ hãi - "công cụ tuyệt vời" của cơ chế sinh tồn bẩm sinh
Nhà tâm lý học tại trường Oxford thuộc Đại học Emory cho biết: "Nỗi sợ hãi nâng cao khả năng tập trung, tăng cường cơ bắp và giúp chúng ta sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống sắp xảy đến".
Xem phim kinh dị, đi chơi “nhà ma” hay việc chúng ta hù dọa đùa bạn bè thường là những hoạt động vô hại. Nhưng nỗi sợ hãi mà chúng gây ra có thể kích hoạt hệ thống “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của cơ thể - giải phóng hóa chất vào cơ thể và gây ra một số phản ứng sinh lý.
Kenneth Carter, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford thuộc Đại học Emory, cho biết: "Phản ứng sợ hãi của cơ thể thực chất là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta sinh tồn trong những tình huống nguy hiểm vì nó diễn ra nhanh chóng, cung cấp cho chúng ta đầy năng lượng.
Nỗi sợ hãi nâng cao khả năng tập trung, tăng cường cơ bắp và giúp chúng ta sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống sắp xảy đến".
Nỗi sợ hãi nâng cao khả năng tập trung để ứng phó với tính huống sắp xảy ra. (Ảnh minh họa: National Geographic)
Janice Kiecolt-Glaser, Giám đốc Viện nghiên cứu y học hành vi tại Đại học Y khoa Ohio State, cho biết thêm: "Đây là cơ chế sinh tồn bẩm sinh, đã tồn tại từ thời xa xưa con người khi phải chạy trốn khỏi những loài thú săn mồi".
Nhưng ngay cả khi cơ chế này giúp tổ tiên của chúng ta thoát khỏi những con hổ răng kiếm và giúp chúng ta tránh xa những nguy hiểm ngày nay, việc kích hoạt phản ứng sợ hãi của cơ thể không phải lúc nào cũng là điều tốt.
"Nếu nỗi sợ hãi được kích hoạt liên tục, hoặc những lần hù dọa bất ngờ diễn ra thường xuyên, nó có thể làm cơ thể chúng ta suy yếu" - Carter nói.
Phản ứng sợ hãi
Phản ứng sợ hãi của cơ thể luôn bắt đầu ở hạch hạnh nhân - một phần của hệ thống viền não đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết mối đe dọa và xử lý cảm xúc.
Sau khi nhận thấy mối đe dọa, hạch hạnh nhân sẽ gửi tín hiệu đau khổ đến một trung tâm chỉ huy trong não được gọi là vùng dưới đồi, nơi ra lệnh cho hệ thần kinh và hệ nội tiết giải phóng hormone và chất dẫn truyền thần kinh như cortisol, dopamine, noradrenaline và adrenaline.
"Các chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng từ các tế bào thần kinh trong hệ thần kinh, trong khi các hormone được giải phóng từ tuyến thượng thận - một cặp tuyến nội tiết nằm trên thận" - Marc Dingman, nhà khoa học về sức khỏe sinh học hành vi tại Đại học Tiểu bang Pennsylvania giải thích.
Nghiên cứu cho thấy các hormone và chất dẫn truyền thần kinh này hoạt động cùng nhau để tăng tốc độ thở và giúp tim bơm máu giàu oxy nhanh hơn đến các cơ và các cơ quan quan trọng. Điều này chuẩn bị cho các cơ và não để nhanh chóng phối hợp phản ứng với mối đe dọa.
Trong trạng thái như vậy, "cơ bắp của chúng ta căng ra, nhờ vậy chúng ta sẵn sàng hành động; đồng tử giãn ra, nhờ vậy chúng ta có thể nhìn rõ hơn; trí óc chúng ta sắc bén hơn, nhờ vậy chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào mối đe dọa; và thính giác của chúng ta được cải thiện, khiến chúng ta nhạy cảm hơn với âm thanh" - Kiecolt-Glaser giải thích.
Việc giải phóng adrenaline cũng làm giảm đau bằng cách ức chế các con đường truyền tín hiệu, do đó chúng ta có thể chạy xa hơn hoặc chiến đấu mạnh mẽ hơn mức chúng ta bình thường có thể chịu đựng.
Mặc dù hormone căng thẳng đóng vai trò lớn nhất trong những thay đổi này, nhưng nỗi sợ hãi cũng thúc đẩy cơ thể giải phóng dopamine để tăng cường sự tỉnh táo hơn nữa.
"Điều này có thể góp phần tạo nên cảm giác thích thú bất ngờ mà một số người thường trải qua trong những tình huống do sợ hãi gây ra" - Emily Hemendinger, nhà nghiên cứu về quản lý căng thẳng tại Đại học Colorado, cho biết.
Những mối đe dọa thật-giả
Holly Blake, Giáo sư y học hành vi tại Trường Y khoa Đại học Nottingham (Anh), cho biết phản ứng sinh học tức thời của chúng ta trước nỗi sợ hãi là như nhau - cho dù chúng ta đang đối mặt với nguy hiểm thực sự hay một điều gì đó chỉ có vẻ nguy hiểm.
Chẳng hạn, tình huống một “diễn viên” đeo mặt nạ đáng sợ và đuổi theo bạn trong một “ngôi nhà ma” với một chiếc cưa máy giả sẽ gây căng thẳng cho bạn theo cách tương tự như một kẻ giết người thực sự với một chiếc cưa máy thật.
Lượng hormone căng thẳng nhỏ hơn thường được giải phóng khi sợ hãi. (Ảnh minh họa: Medium).
Thường não của bạn sẽ sớm nhận ra những mối đe dọa thật-giả này, nhưng đôi khi não cũng không biết điều gì là thật hay không. Hãy nghĩ đến một người bạn hóa trang để hù dọa bạn hoặc một trải nghiệm xem phim kinh dị.
Bởi vì não bộ của chúng ta đã tiến hóa trong thế giới thực hàng tỷ năm trước khi phim ảnh bắt đầu được sản xuất, nên đôi khi não bộ xác định những gì chúng ta thấy trên màn hình là có thật.
Điều này lý giải vì sao “Jaws” (Hàm cá mập) - bộ phim được quay với một con cá mập sát thủ cơ khí - lại khiến hàng triệu người sợ hãi như thể họ đang đối mặt với một con cá mập thật.
Trong những tình huống này, phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” hoàn toàn của cơ thể có thể không diễn ra. Thay vào đó, lượng hormone căng thẳng nhỏ hơn thường được giải phóng, dẫn đến những tác động như tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi hoặc bạn cảm thấy bồn chồn.
Bác sỹ Mihail Zilbermint, Giám đốc chương trình nội tiết tại Bệnh viện Johns Hopkins Medicine, cho biết: "Mặc dù vô hại và thú vị đối với nhiều người, nhưng những nỗi sợ hãi thường xuyên vẫn có thể gây căng thẳng, ngay cả đối với những người nghĩ rằng họ thích điều đó".
Kiecolt-Glaser giải thích rằng khi hormone căng thẳng được giải phóng quá thường xuyên hoặc trong thời gian dài, "nó có thể làm cơ thể bạn suy kiệt".
“Ở một số người, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, các vấn đề về tim và tiêu hóa hay rối loạn hệ thống miễn dịch vì cơ thể bạn liên tục ở chế độ "báo động cao"".
Và vì adrenaline được phát hiện có thể gây tổn thương mô tim ở một số người, những người mắc bệnh tim cần đặc biệt cẩn thận. "Tôi khuyên bạn nên tránh những cú hù dọa cố ý nếu bạn bị loạn nhịp tim" - Millstine khuyên.
Tương tự với những người bị đau lưng mãn tính, "vì các cơn co thắt cơ đột ngột xảy ra khi bị đau có thể gây ra co thắt cơ và làm bùng phát các triệu chứng" - bà nói.
Tiếp xúc quá nhiều với trò hù dọa cũng có thể khiến bạn mất đi sự nhạy cảm với nỗi sợ hãi – cần phải khẳng định lại, sợ hãi là phản ứng sinh tồn quan trọng trong quá trình tiến hóa.
"Những người thích phim kinh dị hoặc thường xuyên đến thăm những ngôi nhà ma ám có thể không phản ứng mạnh mẽ với mối nguy hiểm thực sự, vì não của họ đã quen với những tình huống này thông qua một quá trình được gọi là "thói quen"" - Carter nói.
- 6 cách giúp bạn khống chế sự sợ hãi
- Chuyện thực đến khó tin về thôi miên lùi kiếp
- Nguồn gốc của cảm giác sợ hãi