Nồng độ ozone trên mặt đất làm giảm khả năng hấp thu CO2 của rừng
Nghiên cứu công bố ngày 13/9 của Đại học James Cook (JCU), có trụ sở tại Cairns (Australia) cho thấy nồng độ ozone cao ở mặt đất đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng các khu rừng nhiệt đới thu thập và lưu trữ CO2 từ khí quyển.
Tại cơ sở thử nghiệm ở thành phố Cairns (Đông Bắc Australia), các nhà nghiên cứu đã đo mức độ nhạy cảm với ozone của nhiều loại cây nhiệt đới và sau đó kết hợp các phát hiện của họ vào một mô hình thảm thực vật toàn cầu.
Rừng nhiệt đới Amazon tại bang Amazonas, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Tác giả chính của nghiên cứu từ JCU và Đại học Exeter ở Vương quốc Anh, ông Alexander Cheesman cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng lượng ozone hiện tại do hoạt động của con người gây ra đã làm suy giảm đáng kể khả năng hấp thụ CO2 ròng từ khí quyển (NPP) tại tất cả các khu rừng nhiệt đới".
Theo kết quả nghiên cứu, từ năm 2005-2014, lượng ozone do hoạt động của con người tạo ra đã làm giảm trung bình 5,1% NPP của rừng nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng việc này làm giảm 17% NPP trong thế kỷ 21.
Ozone là một phân tử được tạo thành từ 3 nguyên tử oxy. Đây là một trong số nhiều loại khí tự nhiên tạo nên bầu khí quyển của Trái đất và lọc bức xạ cực tím có hại từ Mặt Trời.
Tuy nhiên, ozone ở mặt đất, do phát thải các hóa chất tiền chất từ hoạt động của con người, gây hại cho sức khỏe con người và là thành phần chính của sương mù.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết nồng độ ozone trên khắp vùng nhiệt đới dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa và các khu vực phục hồi rừng hiện tại và tương lai sẽ bị ảnh hưởng không giống nhau do nồng độ ozone tăng cao.
- Xuất hiện lỗ thủng ozone tại Bắc Cực
- Điều gì xảy ra khi thả quả cầu nung nóng tới 1000 độ C vào đá lạnh?
- Bảo vệ tầng ozon kết nối toàn thế giới