Nữ hoàng Cleopatra - pharaoh cuối cùng của Ai Cập cổ đại là người da trắng hay đen?

Cleopatra VII có thể là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong thế giới cổ đại. Bà là người cuối cùng của triều đại cai trị Ai Cập cổ đại trong khoảng 300 năm, từ cái chết của Alexander Đại đế cho đến sự trỗi dậy của Đế chế La Mã.

Khuôn mặt của bà đã trở thành bất tử trên một số đồ tạo tác từ thế giới cổ đại, bao gồm cả tiền xu và một số bức phù điêu. Có lẽ mô tả được biết đến nhiều nhất về bà là bức phù điêu tại đền thờ Dendera ở Ai Cập cho thấy bà bên cạnh con trai Caesarion.


Cleopatra trên mặt của đồng tiền 50 năm mươi piaster của Ai Cập (năm 2021 sau Công Nguyên). (Ảnh: Tamer Soliman qua Getty Images).

Nhưng bất chấp những mô tả cổ xưa này, chúng ta thực sự biết rất ít về người phụ nữ quyền lực nhất thế giới cổ đại trông như thế nào.

Các hồ sơ khảo cổ học không để lại cho chúng ta nhiều manh mối, các chuyên gia cho biết. Thi thể của bà chưa bao giờ được tìm thấy và các mô tả được thực hiện vào thời điểm đó có thể không thể hiện chân thực các đặc điểm thể chất của bà.

Cleopatra VII trị vì từ khoảng 51-30 TCN và là vị vua cuối cùng của triều đại Ptolemaic, đã cai trị Ai Cập trong gần 300 năm. Khi Julius Caesar đến Ai Cập, bà có với ông một người con trai tên là Caesarion. Sau đó, bà có một mối tình lãng mạn với Mark Antony, dẫn đến sự ra đời của ba đứa con. Sau khi lực lượng của Octavian chinh phục Ai Cập vào năm 30 trước Công nguyên, bà đã tự sát.

Tranh cãi về màu da của nữ hoàng Cleopatra


Bức tranh có tên "Cái chết của Cleopatra" (1874) của Jean-André Rixens. (Ảnh:Jean-André Rixens, qua Wikimedia Commons).

Có một số bức tượng có thể mô tả Cleopatra VII hiện được đặt trong các viện bảo tàng rải rác khắp thế giới. Tuy nhiên, nguồn gốc của những bức tượng này không chắc chắn chúng có thực sự mô tả Cleopatra VII hay không.

Andrew Kenrick, một nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia ở Anh, cũng lưu ý rằng những bức tượng cổ có thể gây hiểu lầm. Kenrick nói: “Các tác phẩm điêu khắc và tượng là hình chiếu các khía cạnh khác nhau của một nhân vật, thay vì một chân dung thực sự". Ví dụ, một tác phẩm điêu khắc có thể miêu tả một người cai trị trông vạm vỡ hơn so với thực tế.


Bức phù điêu khổng lồ khắc chìm Cleopatra (Cleopatra VII) và con trai Caesarean trang trí bức tường phía nam của Đền thờ Hathor, Dendera, Ai Cập. (Ảnh: TerryJLawrence qua Getty Images).

Ngoài ra, chúng tôi không biết danh tính của mẹ hoặc bà nội của Cleopatra, Kenrick lưu ý, điều đó có nghĩa là "có khả năng Cleopatra có thể có một số dòng dõi châu Phi”.

Nhà nghiên cứu Kenrick cũng cho biết: "Chúng ta biết cha của Cleopatra là người Hy Lạp, và bà ấy sẽ coi mình là người Hy Lạp - mặc dù bà ấy đã miêu tả mình là người Ai Cập, khi điều đó phù hợp với bà ấy về mặt chính trị".

Tuy nhiên, Zahi Hawass, cựu bộ trưởng cổ vật Ai Cập, tin rằng nguồn gốc Hy Lạp của bà chỉ ra một câu trả lời rõ ràng: "Cleopatra không phải là người da màu".

"Như lịch sử đã chứng minh rõ ràng, bà là hậu duệ của một vị tướng người Hy Lạp Macedonian, người cùng thời với Alexander Đại đế. Ngôn ngữ đầu tiên của bà là tiếng Hy Lạp và trong các bức tượng bán thân và chân dung đương thời, bà được miêu tả rõ ràng là người da trắng", Hawass viết.

Bộ xương có thể tiết lộ màu da của Cleopatra?


Bức tượng của Cleopatra với rắn Asp được trưng bày tại triển lãm "Các siêu sao của Pharaoh" tại Gulbenkian vào ngày 24/11/2022, ở Lisbon, Bồ Đào Nha. (Ảnh của Horacio Villalobos/Corbis qua Getty Images).

Năm 2009, BBC đã phát sóng một bộ phim tài liệu có tên "Cleopatra: Chân dung kẻ giết người", trong đó các nhà làm phim tài liệu nói chuyện với các nhà nghiên cứu kiểm tra bộ xương được tìm thấy vào năm 1926 trong một ngôi mộ ở Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Các nhà nghiên cứu tin rằng, xương thuộc về Arsinoë IV, em gái của Cleopatra, người đã bị giết theo lệnh của Mark Antony vào năm 41 trước Công nguyên.

Các ghi chép cổ chỉ ra rằng, Cleopatra đã khuyến khích việc giết chóc, vì sợ rằng Arsinoë muốn chiếm ngai vàng của bà.

Mặc dù hộp sọ đã bị mất trong Thế chiến thứ hai, nhóm nghiên cứu đã tái tạo và phân tích hộp sọ bằng cách sử dụng các bức ảnh và bản vẽ cũ, đồng thời tuyên bố rằng, họ đã xác định được các đặc điểm hộp sọ cho thấy mẹ của Arsinoë IV là người gốc Phi.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, nếu Arsinoë IV được cho là em gái ruột của Cleopatra, thì điều này cho thấy nữ hoàng có thể là người gốc Phi.

Tuy nhiên, Duane Roller, giáo sư danh dự tại Đại học bang Ohio, Mỹ nói rằng, Cleopatra và Arsinoë có thể không cùng một mẹ. Nhà văn cổ đại Strabo (63 TCN đến 24 SCN), sống ở Alexandria, đã viết rằng Ptolemy XII, cha của Cleopatra, có con với nhiều phụ nữ.

Jane Draycott, giảng viên kinh điển tại trường nhân văn của Đại học Glasgow, Anh, cho biết: “Người La Mã không coi mình là người có làn da trắng mà là da nâu hoặc da ô liu săn chắc".

“Không nên đánh đồng giữa việc nói tiếng Hy Lạp và làn da màu trắng, vì người Hy Lạp và La Mã chắc chắn không coi mình là người da trắng”, nhà nghiên cứu Kenrick nhấn mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất