Nữ sinh tiểu học phát hiện vụ nổ của siêu sao
Một nữ sinh 10 tuổi tại Canada vừa được Liên minh Thiên văn Quốc tế công nhận là người ít tuổi nhất nhìn thấy cảnh tượng ngôi sao nổ tung.
Hình minh họa vụ nổ siêu tân tinh. (Ảnh wind.caspercollege.edu)
Kathryn Aurora Gray, nữ sinh tại thành phố Fredericton, tỉnh New Brunswick, Canada phát hiện vụ nổ siêu tân tinh (hiện tượng những ngôi sao cực lớn nổ tung) hôm 2/1 khi cô bé hướng kính thiên văn về những thiên hà xa xôi, AFP đưa tin.
“Chúng tôi vui mừng thông báo về việc một nhà thiên văn nghiệp dư 10 tuổi phát hiện một vụ nổ siêu tân tinh”, Hiệp hội Thiên văn hoàng gia Canada tuyên bố.
Gray nhìn thấy một ngôi sao lớn nổ tung trong chòm sao Camelopardalis. Chòm sao này thuộc một thiên hà cách trái đất 240 năm ánh sáng. Ngay sau đó nữ sinh báo cho bố - cũng là một nhà thiên văn nghiệp dư – về phát hiện của cô.
Hai nhà thiên văn nghiệp dư khác kiểm chứng thông tin của cha con nhà Gray trước khi thông báo với Liên minh Thiên văn Quốc tế. Các chuyên gia của Liên minh Thiên văn Quốc tế đặt tên cho vụ nổ là Supernova 2010lt.
Khi những ngôi sao có khối lượng gấp 8-15 lần mặt trời trở lên không còn nhiên liệu dành cho phản ứng hạt nhân, lõi của chúng bắt đầu trở nên đặc hơn. Khi khối lượng của lõi đạt tới một mức nào đó, vật chất của ngôi sao sẽ sụp đổ vào trong bởi lực hấp dẫn của chính nó. Sau đó vật chất lại bị đẩy ngược ra phía ngoài, tạo nên vụ nổ cực lớn. Vật chất còn lại sau vụ nổ là hạt nhân siêu đặc mà giới khoa học gọi là sao neutron.
Vụ nổ siêu tân tinh là một trong những sự kiện kỳ thú đối với giới thiên văn. Nếu tính trung bình cứ 50 năm lại có một vụ nổ siêu tân tinh trong một thiên hà cỡ Ngân hà. Nói một cách khác, cứ mỗi giây thì có một ngôi sao phát nổ ở đâu đó trong toàn bộ vũ trụ. Năm 2008, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện vụ nổ siêu tân tinh đang trong quá trình xảy ra.