Nước ối chống lão hóa xương

Các nhà khoa học Anh vừa công bố một báo cáo cho thấy, tế bào trong nước ối bao quanh bào thai đang phát triển có thể làm tái sinh những tế bào xương đã bị lão hóa và yếu dần.

Phát hiện này có thể hỗ trợ rất lớn cho các em bé bị mắc bệnh di truyền, người cao tuổi và thậm chí là các phi hành gia.

Theo nghiên cứu, các phi hành gia có thể bị loãng xương với tốc độ 1% mỗi tháng, khiến xương giòn và dễ gãy khi trở về Trái Đất.

Ở những nghiên cứu trên chuột, việc sử dụng tế bào trích từ nước ối đã giúp làm chắc khỏe những phần xương bị mềm và chống nứt gãy xương lên đến 80%.

Thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ, được bao bọc xung quanh bởi nước ối. Dịch nước ối giúp bảo vệ bào thai, cung cấp dinh dưỡng cho các em bé phát triển.

Nước ối là môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ vai trò quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi. Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai, được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai nhi, màng ối và máu mẹ.

Nước ối cũng chứa các tế bào gốc. Đây chính là khởi nguồn phát triển của các mô. Chức năng đặc biệt của tế bào gốc là tạo ra toàn bộ những loại tế bào khác trong cơ thể.


Nước ối có thể trở thành nguồn chống loãng xương quý giá trong tương lai. (Nguồn ảnh: BBC).

Tế bào gốc được xem là "nhà cung cấp" tế bào mới. Khi tế bào gốc phân ra, nó có thể tạo thêm tế bào gốc mới, hoặc tạo ra những loại tế bào khác. Ví dụ, tế bào gốc của da có thể tạo ra thêm những tế bào gốc mới của da, hoặc những tế bào với những chức năng đặc biệt như sắc tố da.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập các tế bào gốc từ nước ối trong quá trình mang thai hoặc thu lấy ngay trước khi sinh.

Nhóm nghiên cứu tại Viện sức khỏe trẻ em hợp tác với Bệnh viện Great Ormond Street và Đại học College London (Anh) đã tiêm các tế bào này vào những con chuột bị bệnh xương giòn hoặc bệnh xương dễ gãy.

Ở người, bệnh này xuất hiện với tỷ lệ 1/25.000 ca sinh và có thể gây tử vong vì nó khiến cho em bé sinh ra với nhiều vết gãy xương.

Ngay cả với những người sống sót, họ cũng phải đối mặt với hơn 15 chiếc xương gãy mỗi năm, răng giòn, thính giác suy giảm và các vấn đề tăng trưởng.

Loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, là hậu quả của việc suy giảm các khung protein và lượng calci gắn với các khung này.

Loãng xương cũng là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của 2 quá trình tạo xương và hủy xương, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường.

Theo thông báo của Liên đoàn chống bệnh loãng xương Thế giới (IOF), hiện nay, chi phí điều trị bệnh loãng xương tương đương với điều trị bệnh tiểu đường và lớn hơn chi phí cho cả hai bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ cộng lại (ung thư vú và ung thư tử cung).

Chi phí lớn nhất cho bệnh loãng xương là điều trị biến chứng gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi.

Các thử nghiệm trên chuột cho thấy, việc tiêm những tế bào này làm tăng sức mạnh, độ dẻo dai và cấu trúc xương của động vật. Số xương bị gãy giảm xuống chỉ còn 1/5 so với mức độ ban đầu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất