Nước tương có thể chữa HIV hiệu quả?

Các chuyên gia vi trùng học vừa lên tiếng tuyên bố, một hợp chất gia tăng mùi vị tồn tại trong nước tương có thể khắc phục tình trạng kháng thuốc chống AIDS ở những bệnh nhân nhiễm virus HIV.

Tuyên bố trên được coi là sự chứng thực cho một phát hiện đã có từ cách đây hơn 10 năm của tập đoàn Yamasa, một trong những hãng sản xuất nước tương lâu đời nhất của Nhật Bản.

Được thành lập từ năm 1645, đến cuối những 1800, tập đoàn Yamasa đã bắt đầu xuất khẩu nước tương sang Mỹ. Kể từ đó, sản phẩm nước tương Yamasa với đặc trưng chai nhựa có nắp đỏ và xanh lục, đã trở thành thứ không thể thiếu trong các nhà hàng Trung Hoa ở Mỹ.

Tuy nhiên, tập đoàn Yamasa còn có một phát kiến ít được biết đến hơn: Từ năm 1988, doanh nghiệp này đã bắt đầu đã cho thành lập một bộ phận gồm toàn các nhà khoa học về thực phẩm để tiến hành nghiên cứu y tế về những phản ứng miễn dịch đối với những hóa chất nhất định trong thực phẩm.


Chất tạo hương vị EfdA chỉ có trong nước tương được phát hiện có các đặc tính như thuốc. (Ảnh: News)

Năm 2001, các nỗ lực của họ đã được đền đáp. Các chuyên gia này vô tình khám phá ra rằng, một chất tạo hương vị trong nước tương có thể sở hữu những đặc tính tương tự các thuốc kháng HIV hiện có trên thị trường.

Hơn một thập kỷ sau, trong tuần này, các chuyên gia vi trùng học đến từ Đại học Missouri (Mỹ) lên tiếng khẳng định, phát hiện của Yamasa là đúng đắn. EfdA, một chất gia tăng hương vị chỉ được tìm thấy trong nước tương, hiệu quả gấp 70 lần so với Tenofovir, một trong những dược phẩm được dùng phổ biến nhất hiện nay trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Một trong các vấn đề chính đối với việc chống lại căn bệnh thế kỷ hiện nay là, cơ thể bệnh nhân thường phát triển sự đề kháng nghiêm trọng đối với các ảnh hưởng của thuốc, kể cả Tenofovir. Mặc dù việc nhiễm virus HIV hiện nay không còn được coi là mang “án tử”, nhưng việc điều trị bệnh sẽ rất tốn kém và đòi hỏi phải dùng hết loại thuốc này đến loại thuốc khác, cho tới khi cơ thể bệnh nhân có thể điều chỉnh để thích nghi.

Theo tiến sĩ Stefan Sarafianos, người đứng đầu nghiên cứu của Đại học Missouri, EfdA ít có khả năng gây ra sự kháng thuốc ở bệnh nhân nhiễm HIV vì nó nhanh được kích hoạt hơn và chậm bị cơ thể vô hiệu hóa hơn so với các loại biệt dược sẵn có trên thị trường.

Ông Sarafianos và nhóm cộng sự đang phối hợp với hãng dược Merck để nghiên cứu, phát triển loại thuốc ngăn chặn HIV mới, hiệu quả hơn dựa vào chất EfdA.

Khám phá trên có thể làm thay đổi suy nghĩ của đa phần chúng ta lâu nay rằng, hóa chất trong thực phẩm chỉ có hại cho cơ thể người. EfdA là một ví dụ cho thấy, chất hóa học cho thêm vào thức ăn đôi khi có thể mang lại lợi ích, dù chỉ đối với một nhóm nhỏ dân số đang phơi nhiễm virus gây căn bệnh thế kỷ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất