Nuôi loài muỗi cải biến gen chống sốt xuất huyết

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceeding của NAS cho biết các nhà khoa học đang nuôi cấy một loài muỗi cải biến gen nhằm chống sự lan truyền của dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Virus gây bệnh sốt xuất huyết truyền qua đường muỗi cái chích người và hiện không có vắcxin hay thuốc đặc trị.

Giới chuyên gia dẫn thống kê cho biết bệnh này lây cho 100 triệu người mỗi năm và đe dọa một phần ba dân cư trên thế giới.

Giới khoa học hi vọng rằng các loài muỗi đực do họ nuôi cấy khi giao phối với muỗi cái sẽ tạo ra một loài muỗi cái con có chứa gen giới hạn mọc cánh. Các con muỗi cái trong thế hệ sau, nhận gen của muỗi bố và không thể bay vì đôi cánh không thể phát triển bình thường. Các con muỗi đực mang gen này vẫn tiếp tục bay bình thường.

Theo nhà nghiên cứu Luke Alphey từ Đại học Oxford và công ty chuyển giao công nghệ Oxitec Ltd, kỹ thuật này hoàn toàn dùng riêng cho một loài, vì các con đực thế hệ nào chỉ giao phối với riêng con cái thuộc thế hệ đó.

Nếu biện pháp trên được triển khai, loài muỗi mới sẽ đủ sức loại bỏ loài muỗi tự nhiên trong vòng 6-9 tháng.

Giáo sư Anthony James thuộc nhóm nghiên cứu tại Đại học California ở Irvine nói: “Các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết hiện nay không hiệu quả đầy đủ và các biện pháp mới đang rất cần. Kiểm soát muỗi là nguồn lây virus sẽ giảm mức độ bệnh tật và chết chóc ở người.”/.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất