Ở Mỹ có một cây sồi "thừa kế" đất từ chính "cha" của nó, được luật pháp bảo vệ

Cái cây này đã thừa hưởng mảnh đất từ chính cha của nó, một cây sồi trắng có tên Cái Cây Tự sở hữu mình.

Ở góc đường South Finley và Phố Dearing tại Athens, Bang Georgia, Mỹ có một cây sồi trắng cao 2,4 mét đang đứng im lìm nhớ tới cha của nó. Người ta gọi cái cây này là "Đứa Con của Cái Cây Tự sở hữu mình", và hiển hiên, bạn biết cha nó có tên là gì. Người dân địa phương còn gọi đây là Cây sồi Jackson.


Đứa Con của Cái Cây Tự sở hữu mình - Son of The Tree That Owns Itself. (Ảnh chụp năm 2005).

Lịch sử dài của Cái Cây Tự sở hữu mình bắt đầu từ giữa thế kỷ 16. Nó đã sống thọ (thọ so với con người, không thọ nếu so với một cái cây) tới năm 1942 thì bị chặt hạ. Nhưng từ hạt sồi của nó, người ta đã trồng nên một cái cây mới, tại chính nơi Cái Cây Tự sở hữu mình ngã xuống. Địa điểm này đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch tại địa phương, không ngoa khi gọi nó là dòng họ cây nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Câu chuyện đầu tiên về Cái Cây Tự sở hữu mình xuất hiện vào ngày 12 tháng Tám năm 1890 trên trang nhất tờ báo Athens Weekly Banner. Bài viết nói về một cái cây sống tại khuôn viên nhà của Đại tá William Henry Jackson, một cá nhân có thế lực và có quan hệ tại địa phương. Ông Jackson vì mong muốn lưu giữ lại những kí ức tươi đẹp thời ấu thơ quanh cây sồi trắng, đã chuyển quyền sở hữu đất cho chính cái cây này. Theo nhiều nguồn tin, hành động này diễn ra khoảng giữa năm 1820 và 1832. Bài báo cũng nói thêm rằng vào lúc đó, năm 1890, rất ít người còn sống mà biết chuyện này hay thậm chí nhìn thấy tờ giấy chuyển quyền sở hữu đất nói trên.


Tấm bia đá ghi một phần nội dung của tờ giấy quyền sở hữu đất.

Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc này, nhưng chốt lại rằng "cộng đồng đã công nhận điều này". Dựa vào đó, cộng đồng sống tại nơi đây đã tuyên bố rằng cái cây này thực sự sở hữu đất và sở hữu chính nó. Cũng chốt lại luôn là cái cây này được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Cái Cây Tự sở hữu mình sống yên bình đến năm 1906 thì phần đất tại chân của nó bị xói mòn. Doanh nhân George Foster Peabody đứng ra mua đất mới, đặt những cọc chắn và chăng xích xung quanh, đặt một bảng tưởng niệm tại đó nhằm bảo vệ "công dân" cây. Tuy nhiên, trong một cơm bão tuyết năm 1907, cây bị hư hại nặng. Cộng đồng ra tay chăm sóc nhưng cây đã bắt đầu mục nát và yếu dần đi.


Cái Cây Tự sở hữu mình gầy gò ốm yếu năm 1910.

Ngày 9 tháng Mười năm 1942, người dân đi đến quyết định đưa cái cây về nơi an nghỉ cuối cùng, thưởng họ khoảng giữa 150 và 400 tuổi, với chiều cao lúc khuất núi là 30 mét. Dùng hạt sồi của chính Cái Cây Tự sở hữu mình, họ trồng lại một cây con mới tại chính nơi cha nó đã đứng. Mà theo các thứ luật thì rõ ràng, cái cây non này thừa hưởng gia tài mà đời trước để lại: chính là mảnh đất mà nó đang đứng trên.


Cái Cây Tự sở hữu mình xuất hiện trên một tấm thiệp.

Đứa Con của Cái Cây Tự sở hữu mình được chính thức công nhận vào ngày 4 tháng Mười hai năm 1946. Cộng đồng cư dân đã có mặt, chứng kiến buổi lễ diễn ra và đưa những lời chúc phúc tốt lành đến hậu duệ dòng họ Cây. Trước khi về mảnh đất mà cha nó để lại, Đứa Con của Cái Cây Tự sở hữu mình đã sống trong một sân nhà gần đó, đạt chiều cao 1,5 mét nhưng đã phải cắt ngắn đi còn 1 mét để tiện cho việc chuyển nhà.

Đến năm 2006, Đứa Con đã cao tới 15 mét. Tới thời điểm này, Đứa Con của Cái Cây Tự sở hữu mình đã trở thành một huyền thoại địa phương, là điểm đến thu hút khách du lịch của Athens cũng như nổi tiếng toàn cầu. Nó đã vài lần được lên truyền hình, không ít dịp lên mặt báo. Đây cũng là một dịp như thế.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất