Ở Nhật Bản, giám đốc cũng phải đi cọ toilet! Lý do là...
Thậm chí, người Nhật đã từng thực hiện nghiên cứu về vấn đề này hẳn hoi!
Thương trường có thăng có trầm, ấy là chuyện thường tình. Một công ty phải đi lên từ khó khăn, và cũng không thể ở trên đỉnh cao mãi mãi.
Chính vì thế mà đôi lúc, giám đốc cũng chỉ là một chức danh, còn thực tế thì nhân viên dưới quyền có chưa đến... nửa chục người, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc chẳng khác gì nhân viên quèn ở các công ty khác.
Với người Nhật Bản, việc giữ toilet sạch sẽ là để mang lại hậu vận tốt, mời gọi vận may.
Tuy nhiên, đến mức giám đốc còn phải đi cọ toilet thì Nhật Bản là số một. Thậm chí, chẳng phải đến mức kiệt quệ cắt giảm nhân lực, mà chỉ cần công ty thua lỗ khó khăn một chút thôi là các sếp đã sẵn sàng cầm bàn chải lên rồi. Và tất nhiên, sẽ có lý do để giải thích cho chuyện này.
Cọ toilet là cách để xua đi xui xẻo
Với người Nhật Bản, việc giữ toilet sạch sẽ là để mang lại hậu vận tốt, mời gọi vận may. Quan niệm này xuất phát từ Thiền tông Phật giáo - nơi coi việc dọn dẹp là một phần của tu luyện.
Ngoài ra theo phong thủy, toilet là nơi chịu kiểm soát bởi nguyên tố Thủy, gắn liền với tiền tài và sự giàu sang. Do đó, việc giữ nhà vệ sinh sạch đẹp là rất quan trọng với người Nhật, đặc biệt là đối với các công ty, doanh nghiệp.
Thậm chí, người Nhật đã từng thực hiện nghiên cứu về vấn đề này hẳn hoi. Junko Kawakami, biên tập viên của tạp chí Houzz Japan cho biết, một cuộc khảo sát đã cho thấy ít nhất 42% người Nhật chăm chỉ cọ toilet vì họ tin điều đó mang lại may mắn về tiền tài.
Cọ toilet mang lại tiền tài hậu vận.
Trong khi đó, chỉ 22% người ít khi cọ toilet cảm thấy điều đó mà thôi. Còn theo thống kê, thu nhập trung bình của nhóm người chăm cọ toilet là trên 5 triệu yên Nhật/năm. Nhóm không cọ kiếm ít hơn một chút - khoảng 4,54 triệu yên/năm.
Trên thực tế, quan niệm may mắn và nhà vệ sinh đi đôi với nhau đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự rộ lên sau một bài báo vào tháng 3 năm 2007. Thời điểm đó, nhiều thầy bói tại Nhật liên tục khuyên khách hàng rằng muốn thành công, phải bắt đầu từ việc cầm bàn chải lên cọ toilet.
Thông tin này nhanh chóng được lan tỏa lên tạp chí, TV và nhiều phương tiện truyền thông khác. Và có lẽ, đây là lý do mà chỉ cần cảm nhận được đôi chút xui xẻo, các chủ doanh nghiệp sẵn sàng xắn tay áo vào cọ toilet ngay lập tức.
Những chiếc bồn cầu của Nhật đang trở thành tiêu chuẩn trong nhiều ngôi nhà hiện đại.
Việc người Nhật coi trọng sự sạch sẽ của cái toilet cũng là điều rất hợp lý, xét trên việc quốc gia này đang đứng đầu về ngành công nghiệp sản xuất bồn cầu. Đến mức, sở hữu một cái bồn cầu của Nhật Bản đang là tiêu chuẩn chung trong nhiều ngôi nhà.