Ô nhiễm môi trường làm giảm kích thước bào thai

Một nghiên cứu tại Australia cho thấy bào thai của những phụ nữ sống trong môi trường ô nhiễm nhỏ hơn so với người sống trong môi trường trong lành.

Tiến sĩ Adrian Barnett của Đại học Công nghệ Queensland (Australia), tiến sĩ Craig Hansen của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ và tiến sĩ Gary Pritchard của công ty PacUser (Mỹ) tiến hành nghiên cứu về tác động của ô nhiễm môi trường đối với bào thai trong 10 năm.

Theo Science Daily, ba nhà khoa học phân tích kết quả siêu âm của hơn 15.000 thai phụ tại thành phố Brisbane (Australia). Tất cả đối tượng nghiên cứu sống trong khu vực bị ô nhiễm có đường kính 14 km. Bào thai của họ được 13 đến 26 tuần khi tiến hành siêu âm. Sau đó nhóm nghiên cứu so sánh kích thước bào thai của hơn 15.000 người nói trên với những thai phụ sống ở khu vực nông thôn có bầu không khí trong lành.

"Chúng tôi nhận thấy có mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường mà phụ nữ sống và kích thước bào thai. Nồng độ chất gây ô nhiễm trong không khí càng cao thì chiều dài xương đùi, chu vi bụng và chu vi đầu của thai nhi càng nhỏ", tiến sĩ Barnett nhận xét.

"Nhiều người nói rằng thành phố Brisbane không bị ô nhiễm vì không khí ở đó trông rất sạch, nhưng bạn nên biết chúng ta không thể nhìn thấy chất gây ô nhiễm bằng mắt thường. Những người ở gần các đường lớn và đông đúc có nguy cơ phơi nhiễm với không khí bẩn lớn nhất", Barnett nói.

Tiến sĩ Barnett khuyên phụ nữ có thai giảm thiểu việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm, đặc biệt là khí thải do các phương tiện cơ giới tạo ra.

Nghiên cứu của Barnett và cộng sự được đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất