Phát hiện ba ngoại hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất

Các ngoại hành tinh quay xung quanh hai ngôi sao lùn đỏ K2-239 và K2-240, được phát hiện bằng tàu vũ trụ Kepler của NASA.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, dẫn đầu bởi Giáo sư Javier de Cos từ Đại học Oviedo và nhà vật lý học thiên thể Rafael Rebolo từ Viện Astrofísica de Canarias (IAC) của Tây Ban Nha hôm qua công bố phát hiện hai hệ hành tinh mới. Một trong số đó chứa ba ngoại hành tinh có kích thước tương đương Trái Đất, theo Science Daily.


Hai hệ hành tinh mới lần lượt được đặt tên là K2-239 và K2-240.

Các hành tinh được phát hiện bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA, bằng cách theo dõi phần ánh sáng bị che khuất của ngôi sao chủ khi hành tinh đi qua vùng sáng của ngôi sao này. Hai hệ hành tinh mới lần lượt được đặt tên là K2-239 và K2-240.

Trong đó, K2-239 chứa ít nhất ba hành tinh đá có kích thước tương đương Trái Đất. Hệ hành tinh này nằm trong chòm sao Lục Phân Nghi (Sextant) cách Mặt Trời khoảng 160 năm ánh sáng. Theo công bố trên tạp chí Royal Astronomical Society, ba hành tinh lần lượt có bán kính bằng 1,1, 1,0 và 1,1 lần bán kính Trái Đất và quay một vòng xung quanh ngôi sao chủ trong 5,2, 7,8 và 10,1 ngày.

Hệ hành tinh còn lại chứa hai hành tinh lớn gấp đôi Trái Đất, quay quanh ngôi sao lùn đỏ K2-240. Nhóm nghiên cứu ước tính tất cả ngoại hành tinh quay quanh hai ngôi sao K2-239 và K2-240 đều có nhiệt độ cao gấp 10 lần so với Trái Đất, do chúng có quỹ đạo rất gần ngôi sao chủ và nhận được lượng bức xạ lớn.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học dự định sử dụng kính thiên văn không gian James Webb (dự kiến được phóng lên vào tháng 5/2020) và các thiết bị quan sát quang phổ mới để nghiên cứu thành phần khí quyển và xác định khối lượng, mật độ, cũng như tính chất vật lý của các ngoại hành tinh mới được phát hiện này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất