Phát hiện biển nước trên Mặt Trăng Enceladus của Sao Thổ
Trong nhiều năm qua, các nhà thiên văn học vẫn không ngừng tìm kiếm các hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Mới đây, các nhà khoa học đã xác nhận được một Mặt Trăng có nước và có thể duy trì sự sống dưới lớp băng dày trên bề mặt của mình, đó là một Mặt Trăng của Sao Thổ: Enceladus.
Hơi nước phun ra từ cực Nam của Enceladus được phát hiện từ năm 2005. (Ảnh: PA)
Biển của Enceladus nằm sâu tới khoảng 29-39km dưới mặt băng, và có thể có diện tích lớn hơn hồ Superior, hồ lớn nhất trong hệ thống Hồ Lớn của Bắc Mỹ. Phát hiện này có được sau khi các nhà khoa học tiến hành đo đạc các số liệu được gửi về từ tàu Cassini của NASA.
Năm 2005, Cassini đã gửi về những hình ảnh đáng kinh ngạc ghi lại cảnh hơi nước phun ra từ bề mặt của Enceladus, và phát hiện mới này, được đăng trên tờ Science, đã xác nhận sự tồn tại của một biển nước sâu khoảng 10 km nằm dưới vùng cực nam của Mặt Trăng này.
"Biển nước này có thể mở rộng ra tới nửa đường hoặc hơn về phía đường xích đạo của Enceladus, theo nhiều hướng khác nhau. Điều này có nghĩa là diện tích của nó có thể lớn bằng hoặc hơn diện tích của hồ Superior", giáo sư David Stevenson thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) cho biết.
Enceladus có một lớp băng dày trên bề mặt, lõi đá, và có một biển nước kẹp giữa hai lớp này ở cực Nam. (Ảnh: PA)
Các vết trên bề mặt Enceladus, được gọi là "vằn hổ", chính là các vết nứt nơi hơi nước phun ra ngoài. (Ảnh: PA)
Trước Enceladus, nước cũng được phát hiện dưới bề mặt của Mặt Trăng mang tên Europa của Sao Mộc. Các nhà khoa học tin rằng cả hai Mặt Trăng này đều có khả năng nuôi dưỡng môi trường sống cho các vi khuẩn ngoài Trái Đất./.