Phát hiện bụi sa mạc lớn bất thường bay xa hàng nghìn kilomet

Các hạt bụi lớn gấp 50 lần bình thường được vận chuyển đi xa 3.500km từ sa mạc Sahara tới vùng biển Caribean thông qua gió toàn cầu.

Viện Nghiên cứu Biển Hoàng gia Hà Lan (NIOZ) hôm 18/12 công bố phát hiện các hạt bụi lớn bất thường được thổi bay 3.500km từ sa mạc Sahara tới tận vùng biển Caribean. Chúng lớn gấp 50 lần kích thước tiêu chuẩn của bụi khí quyển mà gió toàn cầu có thể vận chuyển đi một khoảng cách xa như vậy, Phys đưa tin.


Bụi sa mạc có đường kính lên tới 0,45mm được tìm thấy ở vùng biển Caribbean. (Ảnh: Phys).

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng bụi bên trong các đám mây có kích thước dao động từ 0,01 đến 0,02 mm, tuy nhiên, mẫu bụi được tìm thấy ở vùng biển Caribe có đường kính lên tới 0,45mm. Chúng có nguồn gốc từ sa mạc Sahara, được gió đưa lên các đám mây, bay xa hàng nghìn kilomet và cuối cùng được loại bỏ khỏi bầu khí quyển bởi mưa.

"Việc các hạt bụi lớn lơ lửng trên bầu khí quyển trong khoảng thời gian dài như vậy được xem là mâu thuẫn với các định luật vật lý về trọng lực. Điều này cho thấy một sự kết hợp giữa các lực hoặc chuyển động của khí quyển vẫn chưa được biết đến đã giữ các hạt bụi lớn ở lại trên không trung lâu hơn", Tiến sĩ Michele Does từ NIOZ, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng vai trò của các các hạt bụi lớn, đặc biệt là bụi thạch anh trong quá trình hình thành mây cũng như chu trình carbon của đại dương chưa được đánh giá đúng. Chúng thường được cho là không tồn tại trong khí quyển và gần như bị bỏ qua trong các mô hình máy tính sử dụng để dự đoán và giải thích về biến đổi khí hậu.

Bão bụi từ sa mạc Sahara làm số lượng phiêu sinh vật ở đông Đại Tây Dương bùng nổ

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất