Phát hiện cá nhà táng màu trắng hiếm gặp

Con cá nhà táng nhiều khả năng mắc chứng bạch tạng bơi gần mặt nước cách không xa một chiếc tàu chở dầu.

Các thủy thủ trên tàu chở dầu Hà Lan Coral EnergICE bắt gặp cá nhà táng toàn thân trắng tinh hôm 29/11 ngoài khơi Jamaica. Thuyền trưởng Leo van Toly ghi hình khoảnh khắc cá bơi gần mặt nước. Ông gửi video cho Annemarie van den Berg, giám đốc tổ chức bảo tồn cá voi SOS Dolfijn ở Hà Lan. Sau khi xác nhận với các chuyên gia đó là cá nhà táng, tổ chức SOS Dolfijn chia sẻ video trên mạng xã hội Facebook.


Cá nhà táng sống rất ẩn dật và khó nghiên cứu.

Màu trắng của cá nhà táng có thể là kết quả của chứng bạch tạng hoặc bạch thể. Cả hai hội chứng đều tác động tới khả năng sản sinh sắc tố melanin của cá voi, loài vật thường có cơ thể màu xám. "Chúng tôi không biết các nhà táng màu trắng hiếm tới mức nào", Shane Gero, chuyên gia về cá nhà táng ở Đại học Dalhousie University tại Canada, nhà sáng lập dự án cá nhà táng Dominica. "Nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn xuất hiện".

Do đại dương quá rộng lớn, giới nghiên cứu không biết chắc có bao nhiêu con cá nhà táng màu trắng tồn tại. Cá nhà táng (Physeter macrocephalus) sống rất ẩn dật và khó nghiên cứu do chúng có khả năng lặn sâu trong thời gian dài. "Cá voi rất dễ lẩn trốn thậm chí khi chúng dài như xe buýt chở học sinh. Vì vậy, ngay cả khi có nhiều cá nhà táng màu trắng, chúng tôi cũng không trông thấy chúng thường xuyên", Gero nói.

Lần bắt gặp cá nhà táng màu trắng gần đây nhất là năm 2015 ngoài khơi đảo Sardinia của Italy. Tuy nhiên, chúng cũng được trông thấy ở Dominica (biển Caribe) và Azores (Đại Tây Dương) trong những năm gần đây. Có thể con cá xuất hiện ở Jamaica cũng là cá thể từng xuất hiện ở Dominica.

Giới nghiên cứu cũng ghi nhận cá voi trắng thuộc nhiều loài khác. Một con cá voi lưng gù bạch tạng tên Migaloo thường xuyên bơi ở vùng biển Australia từ năm 1991, theo Hiệp hội cá voi Thái Bình Dương.

Bạch tạng là hội chứng di truyền khiến động vật không thể tạo ra melanin, sắc tố tạo ra màu da và lông, khiến cá thể mắc bệnh hoàn toàn không có màu sắc. Chứng bạch thể tác động tới quá trình sản sinh melanin ở tế bào sắc tố, gây mất màu một phần hoặc toàn bộ. Do đó, cá voi mắc chứng bạch thể có thể trắng hoàn toàn hoặc có những mảng trắng.

Dù có sự khác biệt về màu sắc giữa chứng bạch tạng và bạch thể, không có cách nào để phân biệt hai hội chứng trừ khi phân tích di truyền, theo Gero. Một số nhà nghiên cứu cho rằng màu mắt có thể giúp phân biệt bởi phần lớn cá voi bạch tạng có mắt màu đỏ. "Con cá voi ở Jamaica rất trắng và tôi đoán nó là cá voi bạch tạng. Nhưng đó chỉ là suy đoán của tôi", Gero chia sẻ.

Nạn đánh bắt cá voi không còn là mối đe dọa lớn đối với cá nhà táng, nhưng con người vẫn mang tới nhiều mối đe dọa cho cá voi như va chạm với tàu thủy, ô nhiễm tiếng ồn, tràn dầu, ô nhiễm nhựa và mắc lưới. Hiện nay, cá nhà táng nằm trong danh mục có thể tổn thương hoặc tuyệt chủng, nhưng giới nghiên cứu chưa biết chính xác số lượng của chúng do thiếu dữ liệu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất